Chào mừng bạn quay trở lại 🙂
Có lẽ bạn đã biết rằng việc xây dựng một website kiếm tiền bền vững với Amazon affiliate sẽ bao gồm nhiều bước.
Nhưng bước đầu quan trọng nhất chính là chọn một thị trường ngách (niche) để xây dựng và phát triển website sau này.
(Nhân tiện, từ niche phiên âm tiếng Việt đọc là nít-chờ nhé 😉 )
Nếu sai bước đầu tiên này, tất cả những bước tiếp theo của bạn sẽ chỉ mang lại sự thất vọng mà thôi.
Bạn cứ tưởng tượng như khi bạn muốn đi từ Hà Nội vào TP.HCM.
Thay vì định hướng đúng về TP.HCM, bạn lại quay ngược 180 độ để đi về phía núi rừng Tây Bắc vậy!
Sai định hướng ngay từ đầu và hậu quả là tốn thời gian + tốn tiền bạc + rước bực vào người.
Do đó, trong khuôn khổ bài hướng dẫn này, mình sẽ chia sẻ cùng bạn 8 tiêu chí cần có của một niche tiềm năng mà bạn nên chọn.
Bắt đầu với tiêu chí đầu tiên.
1) Niche của bạn phải nói về một chủ đề rõ ràng, cụ thể
Tại sao lại cần phải rõ ràng?
Đơn giản bởi khi tập trung vào một niche cụ thể, bạn sẽ phục vụ được nhu cầu tìm kiếm của người dùng tốt hơn.
Và thường khi đi theo niche nhỏ, mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với khả năng kiếm được tiền của bạn sẽ cao hơn.
Vậy làm thế nào để biết niche bạn chọn đã đủ rõ ràng hay chưa?
Câu hỏi rất hay.
Và để trả lời câu hỏi đó, mình có một mẹo nhỏ dành cho bạn.
Đó là hãy điền nốt vào mẫu câu này:
“Nó là về…”
Ví dụ:
>>> Nó là về dân tập gym
>>> Nó là về các loại xe đạp
>>> Nó là về các loại lò nướng
>>> Nó là về người làm nghề kỹ sư
>>> Nó là về các bà mẹ bỉm sữa
…
Nếu bạn có thể mô tả niche bạn chọn bằng một câu ngắn gọn như vậy thì khả năng cao là niche bạn chọn đã khá rõ ràng rồi đấy.
Nhưng ngược lại, nếu câu mô tả đó của bạn như sau thì sao?
>>> Nó là về sức khỏe
>>> Nó là về tiền bạc
…
Rất tiếc, bạn phải chọn lại rồi, vì các từ khóa “sức khỏe”, “tiền bạc”… đó không nói về bất kỳ một chủ đề cụ thể nào cả.
Nó quá chung chung và rộng lớn để bạn có thể chọn làm niche.
Nhớ nhé, yêu cầu đầu tiên là phải cụ thể và rõ ràng.
2) Nhu cầu đủ lớn để phát triển và mở rộng sau này
Ban đầu, bạn chỉ nên tập trung phát triển nội dung cho một nhóm sản phẩm trong niche của mình.
Điều đó sẽ giúp site của bạn được Google ưu tiên hơn khi người dùng tìm kiếm vì chủ đề của site khi đó rất thống nhất và không lan man.
Tuy nhiên, khi website lớn dần theo thời gian, bạn sẽ không muốn chỉ mãi ở một chỗ.
Khi ấy, bạn sẽ muốn mở rộng chủ đề của website ra các dòng sản phẩm liên quan khác để tăng traffic và thu nhập cho website.
Ví dụ nhé:
Bạn chọn niche cho website là “đồ tập gym”
OK, đồ tập gym có rất nhiều loại như tạ, quần áo tập, thực phẩm bổ sung…
Nhưng bạn đầu, để dễ phát triển, bạn sẽ chỉ tập trung cho nhóm sản phẩm “tạ”.
Và sau khi “tạ” đã phát triển đủ lớn, mang lại traffic và doanh thu cho site, bạn có thể mở rộng tiếp sang các dòng sản phẩm tiếp theo như “quần áo tập”, “thực phẩm bổ sung”, “máy chạy bộ”…
Bạn hiểu ý này của mình chứ?
Vậy làm thế nào để biết được nhu cầu của mọi người về các sản phẩm trong niche có đủ lớn hay không?
Đây cũng là một câu hỏi hay.
Nhưng rất tiếc, nó sẽ cần một bài riêng để mình có thể demo được tất cả các công cụ cần có.
Còn hôm nay, đơn giản bạn hãy nhớ rằng khi chọn niche thì niche đó phải có khả năng mở rộng thêm sau này nữa nhé.
3) Từ khóa cạnh tranh thấp
Có một sự thật.
Đó là khi nhắc đến website Amazon affiliate, gần như 100% kênh mang lại lượt truy cập (traffic) cho website sẽ đến từ SEO.
SEO là viết tắt của từ Search Engine Optimization – Tối ưu hóa website cho các công cụ tìm kiếm ví dụ Google, Bing, Yahoo…
Có thể bạn đã biết SEO là gì.
Còn nếu chưa biết, bạn có thể hiểu SEO đơn giản là làm cho các bài nội dung trên website của bạn xuất hiện trên trang 1 của Google khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan.
Và ưu tiên khi làm SEO cho website Amazon affiliate chính là nhắm đến các từ khóa dài, có mục đích tìm kiếm cụ thể (long tail keywords).
Ví dụ:
Vẫn là website về “đồ tập gym” của bạn https://www.xyz-gym-nerd.com/ đi (website mình giả định thôi).
Bạn có 1 bài viết được chọn để SEO cho từ khóa dài “best dumbbells for home gym” (tức là tạ tay dùng để tập ở nhà) đó là https://www.xyz-gym-nerd.com/best-dumbbells-for-home-gym/
Từ khóa đó mỗi tháng có 210 lượt tìm kiếm (dùng tool gì để biết mình sẽ demo sau).
Và mục tiêu của bạn sẽ là mỗi khi người dùng tìm kiếm từ khóa “best dumbbells for home gym” trên Google.com (phiên bản US) thì bài viết https://www.xyz-gym-nerd.com/best-dumbbells-for-home-gym/ sẽ phải nằm trên trang 1.
Top 3 kết quả đầu tiên là tốt nhất!
Nhưng tại sao lại phải nằm trên trang 1?
Đơn giản vì phần lớn người dùng chỉ click vào các kết quả trên trang 1 khi tìm kiếm mà thôi.
Bạn cũng thế mà, phải không?
Và đó là lý do tại sao bạn nên chọn các từ khóa dễ trong niche của mình để SEO trước.
Vì khi làm như vậy, quãng đường để tiến tới trang 1 sẽ ngắn hơn và ít tốn công sức hơn nhiều.
4) Sản phẩm ít phụ thuộc vào mùa vụ
Tất nhiên rồi, bạn sẽ muốn website kiếm được tiền quanh năm thay vì chỉ tập trung vào một thời điểm nào đó.
Ví dụ, website về đồ bơi có thể kiếm được rất tốt vào mùa xuân và mùa hè.
Nhưng đến mùa thu và mùa đông, chắc chắn doanh thu sẽ bị ảnh hưởng.
Đơn giản bởi có ai đi tìm đồ bơi vào mùa lạnh đâu, phải không?
Và một lý do nữa, đó là sau này khi quyết định bán website, các site có tính mùa vụ thường sẽ khó thuyết phục được người mua hơn.
Còn để check về tính mùa vụ của từ khóa và niche, bạn có thể truy cập Google Trends và gõ từ khóa chính của niche vào để check.
Trong hình trên, bạn có thể thấy rõ từ khóa “best swimsuits” (đồ bơi – đường màu xanh) có tính mùa vụ rất rõ ràng.
Còn từ khóa “best bicycles” (xe đạp – đường màu đỏ) mặc dù nhu cầu tìm kiếm không cao bằng, nhưng lại có tính ổn định hơn xuyên suốt trong năm.
5) Nhiều sản phẩm tốt, có rating cao, review tốt, giá bán khoảng $20-$300 trên Amazon
Tiêu chí khi chọn sản phẩm từ Amazon để đưa lên site của mình rất đơn giản:
- Có mức giá tầm $20-$300 (tùy niche nhưng thông thường là trong khoảng này)
- Sản phẩm thuộc chương trình Amazon Prime (chương trình ưu đãi dành cho khách hàng của Amazon – được freeship, ưu tiên ship nhanh…)
- Có rating (sao) từ 3.5 trở lên
- Có các review tốt từ khách hàng gần đây (cái này bạn bấm vào từng sản phẩm sẽ thấy phần customer reviews)
- Từ khóa liên quan đến sản phẩm có gợi ý trên Google (ví dụ “bowflex selecttech 552 dumbbells review” có 30 lượt tìm kiếm mỗi tháng)
Bạn có thể check thử một trang sản phẩm trên Amazon như mình vừa ví dụ: https://www.amazon.com/Bowflex-SelectTech-Adjustable-Dumbbells-Pair/dp/B001ARYU58/
Tại sao lại cần những tiêu chí đó?
Đơn giản bởi mục tiêu khi làm site của bạn chính là giúp khách hàng lựa chọn được đúng sản phẩm phù hợp nhu cầu của họ vào thời điểm đó.
Và nếu các sản phẩm bạn chọn có đủ các tiêu chí trên, thì khi người dùng click sang trang sản phẩm trên Amazon, họ sẽ dễ dàng mua hàng hơn.
Và khi họ mua thì bạn sẽ được $$$, đúng không 😀
Bạn có thể bấm vào đây để xem trang tìm kiếm mình chụp ảnh bên trên.
Nhớ bấm vào phần mình đánh dấu đỏ ở góc trên bên trái và đổi địa chỉ ship về thành mã zip 10001 (mã zip của New York) để thấy được hết sản phẩm nhé.
6) Có mức hoa hồng đủ lớn để tạo thu nhập tốt
Hoa hồng là số tiền mà Amazon sẽ trả cho bạn mỗi khi bạn giới thiệu được một khách hàng tới Amazon và người đó mua hàng.
Và đây là bảng % hoa hồng cố định cho các ngạch sản phẩm khác nhau trên Amazon hiện tại:
Bạn có thể bấm vào đây để xem bảng trực tiếp.
Nhìn vào bảng này, bạn có thể thấy điều gì?
Thứ nhất, có những ngành hàng mức hoa hồng sẽ cao hơn các ngành khác, ví dụ “Luxury beauty” – 10%, “Pet products” – 8%, nhưng cũng có những dòng sản phẩm thậm chí không được hoa hồng (gift card, Amazon apps…)
Thứ hai, khi chọn niche, bạn nên tham khảo bảng hoa hồng này để quyết định xem có nên chọn niche đó để tiếp tục làm site hay không.
Vì chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ công sức, tiền bạc ra để đến cuối cùng mới biết rằng ngành hàng đó chỉ được 1% hoa hồng 🙁
Lời khuyên của mình đó là hãy chọn những ngành hàng cho bạn tối thiểu 4% hoa hồng.
Khi ấy kể cả bạn chỉ bán những sản phẩm tầm giá $30-$50, nhưng mỗi sản phẩm bạn sẽ được ít nhất $1.2-$2.
7) Khách hàng có xu hướng mua sắm online các sản phẩm trong niche
Một chiếc tủ lạnh inverter giá $2.500 và một chiếc quạt để bàn giá $25.
Theo bạn, khách hàng sẽ đắn đo và khó đặt hàng online sản phẩm nào hơn?
Tất nhiên là cái tủ lạnh rồi, phải không?
Và mình tin là thói quen mua hàng của mình hay bạn cũng vậy thôi.
Với các sản phẩm đắt tiền, nhiều công dụng, người dùng thường muốn được “sờ” tận tay sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Còn với các sản phẩm ít tiền và không quá phức tạp, tất nhiên khách hàng sẽ dễ đặt online hơn.
Và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng order và hoa hồng mà website của bạn có thể mang lại.
Đơn giản bởi nếu khách hàng có quá nhiều câu hỏi và ngại đặt hàng online sản phẩm mà bạn đang quảng bá, thì làm gì có đơn hàng mà đòi $$$, phải không?
8) Ít nhiều bạn có hứng thú với thị trường đó
Có một vấn đề các bạn newbie hay gặp phải.
Đó là các bạn thường nghĩ mình phải thật sự hiểu biết và có kinh nghiệm về một chủ đề nào đó thì mới chọn được niche đó để xây dựng site.
Điều đó không hoàn toàn sai.
Việc bạn có kinh nghiệm và hiểu biết về niche chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều.
Nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết.
Mà đơn giản chỉ cần bạn có chút hứng thú với niche đó là đủ.
Còn lại các vấn đề khác về kiến thức, chỉ cần ngồi Google một buổi là bạn đã có thể hiểu biết hơn rất nhiều người về lĩnh vực đó rồi.
Tất nhiên mình không bảo bạn chọn các niche về sức khỏe, bệnh tật trong khi bản thân không phải bác sỹ hoặc có trình độ y khoa.
Điều đó không tốt, và trên thực tế, việc Google mới update thuật toán Medic sẽ khiến “dân ngoại đạo” khó lên top các từ khóa liên quan đến sức khỏe và tài chính hơn nhiều.
Quay trở lại vấn đề chính.
Ví dụ, bạn hứng thú với ngành hàng đồ làm tóc, nhưng bản thân lại không phải thợ cắt tóc hay là người hay chăm sóc tóc?
Chẳng sao cả, bạn vẫn có thể thành công với niche đó 😀
Chỉ cần bạn có hứng thú đọc và nghiên cứu về các sản phẩm, chủ đề liên quan đến niche đó là được.
Tạm kết
OK, vậy là mình vừa cùng bạn điểm qua 7 tiêu chí rất quan trọng để lựa chọn một niche cho site Amazon của bạn.
Hãy nhớ rằng, việc chọn niche rất quan trọng vì nó sẽ quyết định tất cả những bước tiếp sau đó của bạn.
Vì vậy, hãy cố dành thời gian làm kỹ bước này, để sau 3-6 tháng phát triển site, bạn không phải hối tiếc vì quyết định ban đầu của mình.
Hi vọng, với nhưng chia sẻ bên trên, bạn đã có một cái nhìn rõ hơn về bước đầu rất quan trọng của việc kiếm tiền với Amazon affiliate này.
Nếu bạn đã đăng ký nhận email từ mình, hãy để ý inbox nhé.
Vì mình sẽ chia sẻ thêm cùng bạn trong các bài viết sau về phương pháp cụ thể từ A đến Z cách chọn niche đấy ^^
Hẹn gặp lại bạn.