(Case Study) Fix Thành Công Niche Site Tụt Hạng Hơn 1 Tháng Không Rõ Lý Do

Khi nói đến các hình phạt của Google dành cho website, thường chỉ có 2 dạng chính.

Tác vụ thủ công (manual action) và phạt tự động theo thuật toán (algorithmic penalty).

Với mình thì các hình phạt thủ công không quá đáng sợ.

Đơn giản bởi chúng thường đi kèm thông báo với nguyên nhân và yêu cầu rõ ràng từ phía Google.

Mình chỉ cần loại bỏ các vấn đề đó và yêu cầu xem xét lại là xong.

Cái đáng sợ hơn chính là các hình phạt theo thuật toán.

Loại này thường “âm thầm” và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Lý do bởi bạn thậm chí còn không biết là website đang có vấn đề, mà chỉ đơn thuần nghĩ là SEO mãi mà không top hoặc top không cao như kỳ vọng.

Có bao giờ bạn gặp tình huống đó chưa?

Với mình thì website mình vừa fix xong là một ví dụ điển hình.

Nó chính là website mình từng share trong case study trước đây về việc bị dính phạt và hồi phục trong 1 tuần.

Cũng là dính phạt theo thuật toán, nhưng lần đó là vì lạm dụng 301 redirect.

Bảo mình hay nghịch dại cũng chẳng sai haha.

Nhưng lần này, mọi thứ còn “xoắn quẩy” hơn rất nhiều.

Và sau hơn 1 tháng test thử, mày mò đủ kiểu, cuối cùng mình cũng fix thành công.

Ranking từ khóa nhảy vọt và traffic cũng tăng đáng kể.

Vậy website của mình đã bị “bệnh” gì?

Và mình đã làm gì để chữa cho site?

Hãy cùng mình điểm qua những ý chính trong case study này nhé.

1. Biểu hiện bất thường của site sau update

Website này của mình không bị ảnh hưởng trong đợt update core tháng 12 vừa rồi của Google.

Thực tế là thứ hạng và traffic còn cải thiện đôi chút trong suốt thời gian update.

Nhưng đúng đến ngày 17/12/2020, khi Google thông báo core update tháng 12 đã hoàn thành, thì cũng là lúc website của mình bắt đầu “lắc lư.”

Cảm giác của mình khi đó là khá bất ngờ.

Bởi mình không nghĩ rằng một website sống sót được qua lần update core được cho là lớn nhất lịch sử của Google lại có bàn thua ở phút 90+5 như vậy.

Check search console thì không thấy có thông báo nào về tác vụ thủ công.

Như hình bên trên, bạn cũng có thể thấy được sự biến động dữ dội như thế nào về ranking của từ khóa kể từ sau ngày core update hoàn thành cho đến khi mình fix lại được cho site.

Lúc sáng check vẫn top 1, nhưng chiều check đã xuống trang 2.

Cứ lặp lại như vậy hàng ngày trong hơn 1 tháng.

Nhiều từ khóa còn out khỏi top 200 trong nhiều tuần trời.

Và điều kỳ lạ là không phải trang nội dung nào hay keyword nào của site cũng gặp tình trạng đó.

Ban đầu, phần lớn các bài review sản phẩm trên site bị ảnh hưởng thứ hạng.

Rồi sau đó là dần dần các bài best cũng bị.

Khi ấy mình cũng nghĩ có thể Google còn điều chỉnh nốt gì đó sau khi hoàn thành việc update và mọi thứ sẽ ổn định lại sau đó.

Nhưng sau 1 tuần với các biểu hiện ngày càng nặng hơn, mình biết mình cần phải làm gì đó nếu không muốn mọi thứ tồi tệ hơn nữa.

2. Quy trình mình hay áp dụng để fix site

Sau nhiều lần fix site, mình dần rút ra được một quy trình, mặc dù chắc chắn còn phải điều chỉnh nhiều.

Nhưng về cơ bản thì có 3 bước:

  • Lên list tất cả nguyên nhân có thể đã khiến site bị ảnh hưởng
  • Test lần lượt từng giả thuyết đó
  • Chờ xem phản ứng của site và tiếp tục test cho đến khi thấy kết quả

Đây là quy trình mình thấy khá hiệu quả với các site bị ảnh hưởng bởi thuật toán.

Bởi thuật toán là thời gian thực nên tốc độ phản hồi thường là khá nhanh, có thể chỉ sau vài ngày.

Nhưng nhược điểm là sẽ khó trong trường hợp site bị tác động bởi cùng lúc nhiều yếu tố khác nhau.

Khi ấy sẽ cần chút kinh nghiệm để xem nên kết hợp test cùng lúc những yếu tố nào.

Quy trình này mình nghĩ cũng có thể áp dụng được cho các site bị ảnh hưởng bởi core update.

Nhưng chắc chắn sẽ lâu hơn vì cần lần update tiếp theo mới có thể thật sự thấy kết quả rõ rệt.

Và nếu là sửa cho core update thì gần như phải làm tất cả.

Còn với case lần này, sau khoảng 3 tuần đầu, nhiều lúc mình cảm thấy khá bế tắc.

Nhưng mình biết nếu dừng lại thì công sức và thời gian bỏ ra sẽ phí hoài.

Do đó, mình chọn bước tiếp.

Và đây là những gì mình đã test cho đến khi tìm ra được nguyên nhân thực sự.

3. Quá trình test các giả thuyết để tìm ra nguyên nhân

Với case này, mình có liệt kê một số giả thuyết như sau:

  • Site bị ảnh hưởng do lạm dụng 301 redirect như lần trước?
  • Sử dụng quá nhiều internal link với exact match anchor text?
  • Các page bị tụt vì chỉ có sức mạnh từ link nội bộ mà không có backlink ngoài hỗ trợ?
  • Do backlink của site có vấn đề?
  • Do sử dụng thêm điều hướng ngược breadcrumb trong bài?
  • Do số lượng ads và link affiliate trong bài quá nhiều?
  • Do site load quá chậm?
  • Hay do nguyên nhân nào khác sâu xa hơn?

Mình cũng làm một bảng excel liệt kê tất cả các trang nội dung có ranking bị rung lắc mạnh.

Mục đích để tìm xem liệu có quy luật nào chung cho các trang nội dung đó hay không.

Và đây là kết quả kiểm nghiệm từng giả thuyết bên trên.

3.1. Site bị ảnh hưởng do lạm dụng redirect 301?

Ban đầu mình không nghĩ đây là nguyên nhân.

Đơn giản bởi lần trước khi dính lỗi này, TẤT CẢ keyword mình track ranking cho site đều bay top.

Còn lần này, chỉ một phần bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, mình vẫn test thử và sau hơn 1 tuần gỡ bỏ redirect 301, index và cache lại tất cả bài viết trên site, mọi thứ vẫn không có gì tiến triển.

Sau đó, mình kết luận đây không phải nguyên nhân chính, và khôi phục lại các link nội bộ từ bài 301 đó.

3.2. Rank tụt do sử dụng quá nhiều link nội bộ với exact anchor text?

Giả thuyết này gắn liền với giả thuyết trên về việc lạm dụng redirect 301.

Bạn có thể đọc case study trước của mình để hiểu tại sao mình nói vậy.

Tuy nhiên, sau khi check một loạt các page vẫn giữ top ổn định và các page bị ảnh hưởng, mình không tìm ra được quy luật nào cho giả thuyết này.

Có những page bị tụt rank mà chỉ có 1-2 link nội bộ trỏ về.

Số lượng quá ít để có thể khiến rank biến động mạnh như vậy.

Ngược lại, có những page chính có vài chục link nội bộ trỏ về với tỷ lệ exact anchor đến hơn 50% vẫn không xi nhê gì.

Đến đây mình loại bỏ giả thuyết này.

3.3. Các page bị tụt vì không có backlink hỗ trợ sức mạnh mà chỉ có link nội bộ trỏ tới?

Giả thuyết này khi nghĩ tới mình thấy cũng khá hợp lý.

Đơn giản bởi sau core update, rất nhiều trọng số đã được Google thay đổi.

Và có khi nào, backlink đã được Google buff trong lần update vừa rồi chăng?

Để kiểm nghiệm giả thuyết này, mình quay lại file excel đã tạo bên trên để tìm quy luật.

Mình tạo 2 cột mới cho file, một cột là số backlink trỏ về URL, và cột tiếp theo là số link nội bộ trỏ tới URL.

Và sau khi điền tất cả số liệu lấy được từ ahrefs và search console vào 2 cột mới, mình cũng có kết quả.

Kết quả một lần nữa là KHÔNG có bất kỳ quy luật nào cho thấy đây là nguyên nhân chính.

Có một số page bị ảnh hưởng nặng có cả backlink mạnh từ hệ thống PBN của mình lẫn link guest post và link nội bộ.

Ngược lại, nhiều page có rank không bị biến động lại không hề có backlink trỏ tới mà rank top chỉ nhờ sức mạnh truyền qua từ link nội bộ.

3.4. Vậy liệu có phải do backlink của site có vấn đề?

Khi làm niche site, mình thường dùng 4 dạng backlink:

  • PBN
  • Guest post
  • Niche edit
  • Redirect 301 (sử dụng rất hạn chế)

Thật sự thì đây là một giả thuyết khá khó để kiểm chứng.

Trừ phần link redirect 301 đã được test và cho kết quả “âm tính” trước đó.

Mình chỉ có thể phần nào bác bỏ nó vì khi check các site khác của mình dùng cùng hệ thống PBN cũng như cách đi link từ guest post + niche edit + 301 redirect tương tự không gặp tình trạng này.

Tỷ lệ các loại link cho site mình cũng giữ khá cân bằng để không site nào gặp rủi ro khi chỉ dựa vào một nguồn link nào đó.

Site cũng không bị bắn link bẩn hay gì hết.

Vì vậy, ở bước này, mình tạm thời để ngỏ và note lại để quay lại sau thay vì cố chứng minh ngay là nó “vô tội” hay không.

3.5. Do sử dụng thêm điều hướng ngược breadcrumb trong bài?

Trước thời điểm site bắt đầu rung lắc khoảng 10 ngày, mình có sửa lại cấu trúc category và thêm phần điều hướng ngược breadcrumb cho site.

Không có gì thay đổi về phần URL bài viết trên site, và mọi thứ cũng đã được Google cache lại gần như sau đó chỉ vài ngày.

Ban đầu, mình nghĩ có thể chính sự xáo trộn này phần nào đó khiến Google phải “học” lại về cấu trúc site khiến thứ hạng bị thay đổi.

Tuy nhiên, có 2 điều khiến mình sớm loại bỏ khả năng này.

Thứ nhất chính là việc sử dụng breadcrumb vốn là điều tốt cho SEO.

Và thứ hai, đó là khi check các site khác đang top sau update, mình thấy họ cũng dùng breadcrumb thậm chí còn từ rất lâu trước đó.

Giả thuyết này mình loại bỏ.

3.6. Do số lượng ads và link affiliate trong bài quá nhiều ảnh hưởng UX?

Website của mình hiện chỉ dùng 2 hình thức kiếm tiền chính là Amazon affiliate và Ezoic ads.

Như trong case study trước mình có chia sẻ, việc có quá nhiều link affiliate và ads trong bài viết có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm người dùng (UX – User eXperience).

Và nếu như trong case study trước đó, tất cả từ khóa mình track đều tụt hạng, thì trong lần này chỉ có các bài review sản phẩm đơn lẻ và một số bài best bị ảnh hưởng.

Chẳng phải nếu tất cả đều dùng chung một layout ads và số lượng link affiliate trong từng phần giống nhau, thì tất cả đều phải “dính” chứ, phải không?

Hơn nữa, khi check các site cùng niche đang top sau update, mình thấy nhiều site còn có layout ads “ác liệt” hơn và số link affiliate trong bài nhiều hơn mình khá nhiều.

Cuối cùng, sau một hồi đắn đo, mình quyết định tắt Ezoic, còn link affiliate thì giữ nguyên.

Không phải vì mình nghĩ nguyên nhân là do mình lạm dụng ads và link affiliate trên site.

Đơn giản bởi Q1 hàng năm thường là thời điểm ad rate rất thấp vì ít bên quảng cáo hơn so với thời điểm cuối năm.

Do đó việc tắt quảng cáo Ezoic không ảnh hưởng quá nhiều tới income của site.

Và một phần cũng vì mình muốn test giả thuyết tiếp theo.

3.7. Rank tụt do site load quá chậm?

Một trong những điểm yếu lớn nhất của các site chạy Ezoic chính là tốc độ tải trang và điểm page speed.

Khi site chạy Ezoic, điểm page speed của mình thường chỉ tầm 30-40 cho Mobile và 70-80 cho Desktop, mặc dù đã dùng plugin WP Rocket để tối ưu.

Khá tệ, phải không?

Hoặc có thể vì mình không quá rành về server/code để có thể tối ưu được tốt cho site.

Đặc biệt khi sắp tới đây vào tháng 5, Google sẽ chính thức áp dụng các tiêu chí về Core Web Vitals để xếp hạng ưu tiên cho các site load nhanh, có trải nghiệm tốt.

Do đó, khi tắt Ezoic, mình có mày mò thử với guide hướng dẫn về tối ưu page speed của chính WP Rocket.

Và kết quả sau tầm 1 tiếng lọ mọ, điểm Mobile khi đó đã cán mốc 90+, còn điểm Desktop thì lần nào cũng 99 cho tất cả các URL được test 😀

Tốc độ load trang thực tế cũng cải thiện đáng kể cả khi test wifi lẫn 3G.

Hài lòng với kết quả, mình cho submit index lại một loạt tất cả URL trên site và chờ Google cache lại nội dung.

Sau khoảng hơn 1 tuần, tất cả các URL có rank bị biến động đều đã được cache lại hết.

Nhưng sau đó vài ngày, kết quả trên công cụ check rank cho thấy đây vẫn không phải là vấn đề chính.

3.8. Vậy cuối cùng site mình gặp vấn đề gì?

Sau thời điểm fix lại page speed cũng đã là khoảng hơn 3 tuần.

Khi này mình cảm thấy khá bế tắc với việc sẽ phải làm gì tiếp theo.

Nhưng đó cũng là lúc mình dần tìm được thêm manh mối cho việc fix site diễn ra ngay sau đó.

Mình tìm đọc các case study về các site bị tụt hạng / hồi phục sau những lần core update.

Mình cũng đã chia sẻ về những bài viết tổng hợp mình thấy hữu ích nhất về lần core update tháng 12/2020 vừa rồi tại đây.

Và một trong số các bài viết mình đọc được đã chứa chiếc chìa khóa để mở “kho báu” lần này!

Đó là một bài viết từ 2017 của Glenn Gabe về chủ đề nên “xóa hay cải thiện các bài viết thin content trên site”.

Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây: https://www.gsqi.com/marketing-blog/remove-versus-improve-low-quality-thin-content/

Trong bài viết đó, Glenn có đề cập đến 2 từ khóa là “quality score” và “quality indexing“.

Đại khái, ý nghĩa của nó là việc Google sẽ xét tổng thể chất lượng của một website dựa vào những gì được index trong bộ nhớ của Google.

Tức là nếu những bài viết được index của site phần lớn đều chất lượng và hướng tới người dùng thì đó là một site tốt, và thứ hạng tổng thể của site sẽ được hưởng lợi theo.

Ngược lại, nếu phần lớn những gì được index của website lại chỉ toàn nội dung mỏng (thin content), kém chất lượng, trùng lặp, spam… thì đó là một website tồi.

Google sẽ giảm hạng theo thời gian các website như vậy khi số lượng các bài viết kém chất lượng ngày càng tăng hoặc không có dấu hiệu được cải thiện theo thời gian.

Với việc thuật toán Panda vốn nhắm đến các website như vậy đã được Google tích hợp real time từ lâu, việc này càng dễ dàng hơn.

Và đoạn văn nói về thuật toán Panda dưới đây chính là phần mấu chốt, mình xin trích dẫn:

“It measures the quality of a site pretty much by looking at the vast majority of the pages at least. But essentially allows us to take quality of the whole site into account when ranking pages from that particular site and adjust the ranking accordingly for the pages.”

Dịch nôm na là Google Panda sẽ xem xét tổng thể toàn bộ nội dung được index để đánh giá chất lượng của một site.

điểm chất lượng đó sẽ là tiêu chí để xếp hạng các trang nội dung con của site đó.

Khi đọc đến đoạn đó, mình đã giật mình!

Nếu các anh em nào từng ngồi với mình hoặc nghe mình chia sẻ thì đều biết trước đây hồi năm 2014, mình có một site bị dính tác vụ thủ công “pure spam” và bị deindex hoàn toàn.

Trước thời điểm đó, site có thu nhập khoảng hơn $4,000/mo.

Sau ấy thì mình vẫn bán được site đó thành công mặc dù giá bán không đáng là bao.

Nhưng quan trọng chính là mình nhớ ra cách mình làm với site đó và liên hệ nó với thuật toán Panda, hay việc tại sao Google lại tặng mình quả penalty “pure spam” như vậy.

Vì website khi đó mình build 100% toàn bài best và review sản phẩm.

100%!

Có thời kỳ mỗi tháng mình bơm 60-80 bài review, mỗi bài chỉ 500 từ và gần như giống nhau y hệt về cấu trúc và ý tưởng.

Có khác chăng chỉ là model sản phẩm và một vài tiêu chí nhỏ bên trong.

Traffic và income tăng trưởng tốt cho đến khi bị Google vả sấp mặt.

Và khi soi ngược lại website này của mình, mình dần nhận ra vấn đề với những “dấu hiệu bệnh” tương tự, mặc dù có lẽ chưa nghiêm trọng bằng.

Để kiểm nghiệm lại điều này, mình tìm ra một list khoảng hơn 20 site cùng niche mà tăng trưởng tốt cũng như tụt mạnh sau core update.

Mình ném tất cả vào ahrefs và check top pages, sau đó lọc các bài KHÔNG phải là best, review để tìm ra tỷ lệ nội dung dạng info so với tổng số bài trên toàn trang.

Và những gì mình tìm ra khá thú vị.

Đa phần các site bị tụt sau update có tỷ lệ bài info dưới 35% trên tổng số bài viết của site.

Đó là chưa kể các bài info đó cũng không hẳn là info thuần túy, mà nhiều khi chỉ có một phần nhỏ bên trên là info, còn phía dưới vẫn là dạng liệt kê sản phẩm kèm link affiliate.

Tức là cũng không khác gì các bài best.

Có một số ngoại lệ trong list site tăng trưởng có tỷ lệ bài info dưới 30%.

Nhưng mình hiểu core update không phải chỉ là 1 yếu tố mà là tổng hòa của nhiều yếu tố, nên cũng dễ hiểu khi có một số ngoại lệ.

Và đặc điểm chung của 3 site đó đều là có tuổi đời khá lâu năm và bộ link tốt.

Ngoài ra, có 1 site bị tụt mạnh mà tỷ lệ info content gần như 100%.

Nhưng khi check kỹ, mình thấy site có một số lỗi cơ bản nghiêm trọng ví dụ chạy đồng thời cả 2 phiên bản http và https, cũng như các bài nội dung info đa phần là thin content và có phần lặp lại.

Cuối cùng, sau khi nhìn vào dữ liệu mình có, cộng với thông tin từ bài viết trên của Glenn, mình lên kế hoạch hành động.

Sửa sai và kết quả

Kế hoạch của mình chỉ gồm 3 bước đơn giản:

B1: Trích xuất dữ liệu Google Analytics trong 3 tháng gần nhất của site, sau đó lọc list các bài viết review sản phẩm đơn lẻ.

Ở bước này, mình lọc ra được 63 bài.

Tại sao mình chỉ lọc bài review bởi đây là dạng bài bị ảnh hưởng nặng nhất.

Và cũng bởi income đến từ dạng bài này thấp hơn bài best.

B2: Noindex 48 bài review và chỉ giữ lại 15 bài có lượng truy cập tốt nhất trong 3 tháng qua.

Mình chọn noindex chứ không xóa hoàn toàn vì không muốn phải fix lỗi 404 một loạt.

Bước này mình có dùng công cụ Removals trong Search Console để xóa URL ngay khỏi Google index, và dùng plugin All in One SEO để gắn tag noindex cho 48 bài ở trên.

B3: Order một loạt bài info mới dạng how to, vs… để bơm cho site.

Các bài info này mình không chèn link affiliate mà chỉ để chạy mỗi ad Ezoic (khi này đã được bật lại).

Bài info đầu tiên mình đăng mới cho site là từ ngày 11/01/2021.

Từ đó cho đến hết sáng ngày 23/01/2021, mình đăng tổng cộng 30 bài info mới cho site.

Cộng với 24 bài info cũ sẵn có, site khi đó có tổng cộng 54 bài info.

Tất cả các bài info ngay khi vừa xuất bản, mình đều submit index bằng tool và trong search console để Google index ngay.

Trên site khi ấy còn lại tổng 138 bài best + review.

Như vậy, tỷ lệ bài info của site mình lúc đó là 39.1%

Và đến chiều tối ngày 23/01, khi check lại ranking cho site là lúc mình thấy “trò ảo thuật” này thật sự đã phát huy tác dụng :))

Rất nhiều key đã nhảy lên vị trí cao hơn trước nhiều.

Traffic các tuần sau đó thậm chí còn cao hơn cả đợt cao điểm cuối năm.

Và traffic ngày cao nhất trong tuần hiện chỉ thua đúng ngày Black Friday và Boxing Day năm 2020 chút ít.

Và mình hi vọng đà tăng tiến này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Tổng số tiền đầu tư content để fix site chỉ tính đến ngày 23/01 là khoảng gần 15.000.000đ.

Còn sau ngày đó, mình vẫn tiếp tục đẩy thêm bài info để xây chắc thêm chút nữa phần nền móng này trước khi làm một loạt bài best mới.

Còn về các bài review để noindex trước đó, mình chưa có kế hoạch gì khôi phục lại chúng.

Đơn giản bởi mình đã thử khi số lượng bài info tăng lên.

Và ngay khi vừa cho index lại khoảng hơn 30 bài review, ranking của site lập tức lại có sự rung lắc!

Ngay khi thấy tình trạng đó, mình lập tức để lại chế độ noindex và xóa index trong Search Console các bài review vừa bật lại.

Và thứ hạng ổn định lại ngay sau hôm đó.

Bài học rút ra

Vậy là sau tất cả mớ bòng bong bên trên, mình đã rút ra được những bài học và kinh nghiệm gì?

Đầu tiên, có lẽ là để làm site phát triển được lâu dài, mình sẽ cần chú tâm hơn tới việc cân bằng loại nội dung trên site.

Đặc biệt là với site affiliate, khi mà trước đây mình và phần nhiều anh chị em vẫn chỉ chú tâm tới các dạng nội dung kiếm tiền best, review mà ít phát triển nội dung hữu ích dạng information.

Điều này vô hình chung khiến website trở nên ít hữu ích cho đa số người dùng và Google.

Đơn giản bởi số lượng người tìm hiểu về mua hàng (hay còn gọi là bottom of funnel – BOFU) luôn ít hơn rất rất nhiều số người mới tìm hiểu về niche (top of funnel – TOFU).

Về tỷ lệ, mình đề xuất tối thiểu 40% bài viết trên site affiliate nên là dạng info.

Hoặc nếu nhiều hơn càng tốt.

Và các bài info này cũng tránh không nên đặt nhiều link affiliate giống các bài best, review, mà chỉ nên đặt quảng cáo hiển thị dạng Adsense.

Tất nhiên, quảng cáo cũng đừng quá lấn lướt hay che khuất nội dung.

Còn thế nào là “nhiều link affiliate” thì mình sẽ phải test thêm.

Về phần thông tin liên quan, bạn có thể đọc thêm guideline của Google về các website tham gia vào các chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) tại đây.

Nếu bản tiếng Việt dịch “chuối” quá thì bạn có thể đọc bản gốc tiếng Anh ở đây.

Thứ hai, đó là backlink vẫn đóng một vai trò lớn trong việc giữ top cho các trang nội dung.

Tại sao mình lại có nhận định này trong khi cả case study chẳng đề cập mấy đến fix link hay build link?

Đơn giản bởi mình để ý gần như tất cả các bài nội dung KHÔNG bị rung lắc trong suốt quá trình vừa qua chính là các bài có nhiều backlink mạnh trỏ tới nhất!

Bất kể là PBN, guest post, niche edit, hay link nội bộ trỏ từ bài được redirect 301 về, sức mạnh của link để giữ top trong case study này là rất rõ ràng.

Kiểu như cả một đám chơi bời lêu lổng, nhưng có mấy cháu được ông nọ bà kia “bảo kê” thì không sao, còn lại thì vào trại hết :))

Thứ ba, đó là mình dần hiểu ra tại sao có những webmaster/blogger có thể giữ và phát triển nhiều site đến hơn cả chục năm mà vẫn giữ vững được đà tăng tưởng và income mỗi tháng vẫn đều $50k-$70k.

Nếu bạn chưa đoán ra được là ai thì mình xin giới thiệu Jon Dykstra, founder của Fat Stacks Blog.

Mô hình phát triển niche site của Jon không dựa nhiều vào Amazon mà dựa vào combo nội dung info + display ads (adsense, Ezoic, Mediavine…)

Jon từng thú nhận là lão “nghiện” bấm nút publish đăng bài trên các niche site!

Đơn giản bởi cứ càng nhiều bài thì income càng tăng.

Tất nhiên, các bài nội dung đó vẫn cần có tiêu chuẩn cao, và Jon cũng làm việc “thanh lọc” nội dung cho site theo từng thời điểm.

Thứ tư, kết quả từ case study này cũng lý giải được một câu hỏi mà mình đi tìm lời giải từ rất lâu.

Tại sao site affiliate càng bơm content lại càng tụt traffic?

Đã bao giờ bạn gặp tình huống đó chưa?

Chẳng phải site càng nhiều bài thì sẽ lên top được cho càng nhiều keyword và mang lại càng nhiều traffic đấy sao?

Giống trường hợp anh bạn Jon Dykstra bên trên?

Đơn giản bởi website trước khi bơm thêm content vốn đã có vấn đề về điểm chất lượng (quality score).

Và bởi chọn SAI loại content được bơm cho site.

Thay vì bơm các bài info để “chữa thương”, mình (trước case study này) lại toàn bơm thêm bài best/review.

Như kiểu bể nước bị dính dầu, thay vì bơm nước sạch vào để đẩy dầu ra ngoài, mình lại bơm thêm toàn dầu vào bể rồi hỏi sao bể nước cứ càng ngày càng đen 😀

Nhưng điều đó không vấn đề gì.

Sai ở đâu thì sửa ở đó thôi, phải không?

Điều này cũng minh chứng tính đúng đắn của rất nhiều case study site tăng trưởng vượt bậc mặc dù việc webmaster làm lại là đi xóa/noindex cả loạt bài viết trên site.

Vậy các site không phải site affiliate thì sao?

Mặc dù case study này của mình là cho niche site Amazon.

Nhưng cách làm này hoàn toàn áp dụng được cho các dạng site khác ví dụ ecom, tin tức, forum…

Đơn giản bởi website nào cũng đều ít nhiều có các dạng nội dung kém hữu ích, trùng lặp, hoặc thậm chí là spam.

Ví dụ các site ecom thường hay bị trùng lặp nội dung từ các URL sản phẩm có session vẫn được index mà nội dung không đổi.

Hoặc các trang tin tức thì hay có các trang tag được index, vốn rất dễ bị coi là thin content.

Website càng lớn thì thường các vấn đề này sẽ càng tồi tệ theo thời gian.

Và việc bạn cần làm chính là không để nước đến chân mới nhảy như mình lần này.

Bởi rất có thể đến khi đó, bạn sẽ không thể thoát được nữa.

Tạm kết

Lần đầu tiên mình viết một bài 4500+ từ trên blog này!

Và nếu bạn đọc được đến đây thì mình thật sự nể và cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc những chia sẻ này của mình.

Mình không khẳng định những gì mình làm cho case study này là tất cả những gì bạn cần làm để giúp site sống thọ hơn với Google.

Bởi ngoài tỷ lệ nội dung và ưu tiên content hữu ích, còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng thứ hạng website ví dụ backlinks, UX, page speed…

Tất cả đều phải thật chuẩn chỉnh để website có cơ hội lớn nhất sống sót và phát triển với những lần update sau này của Google.

Còn giờ thì mình quay lại với niche site của mình đây, còn nhiều việc phải làm lắm.

Cũng mong site tiếp tục phát triển để còn có cái share sau này 😀

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tới nhé.

24 bình luận về “(Case Study) Fix Thành Công Niche Site Tụt Hạng Hơn 1 Tháng Không Rõ Lý Do”

  1. Haha. Đọc bài của bạn nhắc tới faststackblog của lão Jon. Mình biết site lão. Ghét ông này một cái sự thật là site lão là authority khủng bố rồi. Pub bài là top. Site lão có khoảng gần 5000 nghìn bài viết. Site mình mà ở vị thế đó thì cũng vậy thôi. Khi người thành công nói gì chả đúng.
    Rất nhiều newbie tin lời ông mua course và làm theo sau này pub vài trăm article, ko build link với hi vọng kiếm $ easy… và sự thật là income sau một năm là 120$/tháng. Thật là funny quá đi.

    • Mình cũng có học qua course của Jon rồi và phải công nhận mô hình đó không dành cho số đông thật. Đặc biệt là ace ở Việt Nam vốn không có quá nhiều vốn để chạy theo mô hình bơm content hàng loạt đó. Vẫn phải lựa cơm gắp mắm thôi 😀

  2. anh cho em hỏi các bài viết noindex & xóa khỏi Google search, mà mình đã có backlink trỏ về thì Google có còn tính backlink đó nữa không nhỉ

    • Cảm ơn bạn. Site tiếng Việt thì chắc cũng vẫn có affiliate marketing, adsense hoặc tự bán sản phẩm số để tạo ra thu nhập thôi bạn ạ 😀

  3. Anh có biết bài viết nào hướng dẫn khắc phục lỗi chạy đồng thời cả 2 phiên bản http và https không ạ? Em có lên Google search mà thấy nhiều hướng dẫn quá, không biết nên làm theo cái nào là hợp lý nhất

Bình luận đã đóng.