(Case Study) Phát Triển Và Bán Niche Site Thu Về $44,470.01 Sau 19 Tháng

Lâu lắm rồi mình mới lại động đến blog.

Không phải là không có gì để viết và chia sẻ, mà thực sự là mình không có quá nhiều thời gian dành cho việc viết lách.

Nhưng dù sao thì cái gì đã hứa là phải làm, muộn còn hơn không, phải không?

Site trong case study này mình đã bán và giao dịch xong từ cuối tháng 11, 2021 và có hứa với mọi người sẽ có case study cho em nó.

payment email

Và hôm nay, nhân ngày nhiệt độ Hà Nội chỉ còn khoảng 5cm, mình sẽ cho em nó lên sóng :))

Hi vọng case study ít nhiều có ích với anh chị em.

OK, bắt đầu nhỉ?

Thông tin cơ bản về site

  • Niche: Kitchen, foods
  • Phương thức kiếm tiền: affiliate sales từ Amazon và trực tiếp từ brand + display ads (ezoic) + bán guest post
  • Tuổi đời site đến lúc bán: khoảng 3.5 năm (mình dùng domain mới, đăng ký 15/04/2018)
  • Thời gian mình tập trung phát triển site: khoảng 19 tháng (từ tháng 04/2020 đến hết tháng 10/2021), trước đó site chỉ nằm đấy và mình không đụng gì đến
  • Số bài viết trên site tại lúc bán: khoảng hơn 600 bài cả best, review, vs, info (tỷ lệ bài best/review vào khoảng 25% trên tổng số bài) chủ yếu nhắm đến các key long tail
  • Traffic trung bình ~ 600-1,000 visit/ngày
  • Backlink: PBN + guest post + link insert + HARO
  • Tổng thu nhập (income) trong 19 tháng: $22,798.4
  • Tổng chi phí content và backlink trong 19 tháng: $7,706.13
  • Tổng chi phí cố định (host + domain + tool AAWP) trong 19 tháng: $542.26
  • Tổng lợi nhuận (profits, hay tiền mình bỏ túi) trong 19 tháng: $14,550.01
  • Định giá ban đầu của Empire Flippers (EF) cho site: $52,560 (lợi nhuận trung bình 12 tháng $1,593 x 33 lần)
  • Giá bán thực tế sau khi deal với buyer: $35,200 (~67% định giá ban đầu)
  • Số tiền nhận về sau khi bán site: $35,200 x 85% = $29,920 (mình bỏ qua phần phí nhận tiền không đáng bao nhiêu)
  • Tổng lợi nhuận (profits) từ site sau 19 tháng phát triển: $14,550.01 + $29,920 = $44,470.01
  • ROI: 439.14%
  • Ngày gửi thông tin site cho bên EF: 20/07/2021
  • Ngày chính thức lên sàn: 02/08/2021
  • Ngày chốt bán site: 09/11/2021
  • Ngày tiền về tài khoản: 01/12/2021
  • Tổng số lượt xem listing của mình: ~3,000 lượt
  • Tổng số lượt unlocks (số người đặt cọc tiền để xem thông tin site): 50 người

Và từ 50 người đó, có 1 người deal với mình mức giá $35,200 và mình đã chốt bán.

Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao mình lại bán rẻ chỉ 2/3 định giá ban đầu như vậy, phải không?

Thực ra khi đó mình đang cần tiền để đầu tư vào một mảng khác.

Mặc dù có thể vẫn tiếp tục giữ site đợi người khác trả giá cao hơn, mình quyết định chốt để bảo toàn cơ hội bên kia.

Và mình hài lòng với quyết định đó.

OK, khá nhiều thông tin phải không?

Như vậy là từ khi bắt đầu gửi thông tin về site cho sàn EF đến khi mình nhận được tiền về tài khoản là khoảng hơn 4 tháng.

Và với mức ROI + lợi nhuận như trên, có thể khẳng định đây là một vụ đầu tư có lãi của mình.

Đặc biệt khi đây là site mình tự xây từ đầu chứ không phải mua lại.

Còn đây là bảng cân đối thu chi (Profits & Losses hay P&L) do mình tự ghi lại cho site:

p&l2

Bên EF có một bảng P&L chi tiết và cụ thể hơn, nhưng rất dài và về cơ bản thì các con số là như nhau, không sai lệch gì nhiều.

Còn đây là traffic trong khoảng 1 năm kể từ ngày chuyển giao site trở về trước:

ga

Bạn thấy 2 mũi tên màu đỏ chứ?

Đó là khi site mình bị dính core update đợt tháng 6/2021 (lần Google tung ra 2 bản core update liên tiếp T6 và T7), và mình đã cố gắng để khôi phục lại traffic cho site.

Phần này mình sẽ nói kỹ hơn bên dưới nhé.

Quá trình phát triển site và xử lý sau Google core update

“Ước gì site cứ lên mãi và Google không cập nhật gì cả nhỉ?”

Mình đoán đây có lẽ là ước mong của phần lớn người làm SEO, và mình cũng vậy thôi.

Nhưng cuộc sống thì vốn không có gì dễ dàng như vậy cả, phải không?

Thứ duy nhất không thay đổi với Google chính là sự thay đổi.

Và những lần core update kéo dài cả tuần thậm chí cả tháng của Google với kết quả trên top đảo lộn tùng phèo có lẽ luôn khiến tóc của anh chị em làm SEO thêm bạc.

Với site trong case study này, mình cũng từng dính lần core update tháng 6/2021.

Traffic tụt khoảng 30% và income cũng bị ảnh hưởng tương tự.

Điều gì đã khiến site bị giảm sau core update?

Để nói về nguyên nhân site bị ảnh hưởng bởi các lần core update của Google thật sự là rất khó.

Nhưng với site này, mình có một số giả thuyết ban đầu như sau:

  • Site hiển thị quảng cáo display ads ở một số vị trí chắn tầm nhìn của người dùng (above the fold)
  • Một phần nhỏ nội dung trên site về sau này không còn tập trung vào chủ đề chính, một số lấn sang cả các chủ đề về YMYL sức khỏe (Your Money Your Life )
  • Các bài nội dung cũ đã lâu không được cập nhật nên không còn đáp ứng tốt dụng ý tìm kiếm (search intent) của người dùng
  • Backlink mới ít và không quá mạnh do khi đó mình tập trung làm content cho site hơn
  • Tốc độ tải trang chậm

Và có thể còn có một số nguyên nhân nhỏ khác nữa.

Nhưng tựu chung, sau khi site bị ảnh hưởng bởi core update, mình có audit lại và list được các gạch đầu dòng đó.

Mình đã làm gì để cải thiện tình hình?

Với những gạch đầu dòng nguyên nhân kể trên, mình bắt đầu lên kế hoạch để cải thiện tình hình.

#1. Đầu tiên, mình tạm thời gỡ hết các slot quảng cáo ezoic xuất hiện trên khung màn hình đầu tiên mà người dùng nhìn thấy khi truy cập site (above the fold).

#2. Tiếp theo, mình dùng công cụ Removals trong Search Console tạm thời xóa index các bài viết không liên quan và đặt tag noindex cho các bài đó để Google không index lại chúng.

Ngoài ra, với list bài best/review, mình cũng cho noindex các bài trước đó không có quá nhiều traffic hoặc rank quá cao nhằm giảm mật độ của bài best/review trên site xuống còn khoản 25% tổng số bài.

#3. Sau đó, mình outsource phần content để update các bài viết cũ đã lâu không được update.

Việc update nội dung cũ của mình rất đơn giản, mình giao 2 bạn writer nước ngoài vào từng bài trong list mình gửi và viết thêm 4-5 câu hỏi thường gặp FAQs liên quan chủ đề bài viết đó và bấm update.

Số từ thêm vào khoản tầm 200 – 250 từ/bài.

Ngoài ra, bài nào thiếu word count quá nhiều, mình sẽ tự lên lại word count + dàn ý để các bạn writer theo đó mà sửa lại bài.

#4. Về phần backlink, để cải thiện, mình có thuê dịch vụ làm link dạng HARO (Help A Reporter Out) để lấy link từ các site báo lớn về site của mình.

Gói dịch vụ đó là khoảng $1,000 và mình có được gần 10 link từ đó.

Về chất lượng thì thật sự là không quá hài lòng, vì link báo lớn thì lại là nofollow, còn các link dofollow thì lại là từ các site nhỏ và không quá liên quan.

Nếu để tự mình contact các site nhỏ đó thì chi phí làm link có khi chỉ rẻ bằng một nửa.

Nhưng mình vẫn chấp nhận, vì có còn hơn không, và một phần vì việc fix cả vài trăm bài nội dung trên site đã tốn quá nhiều thời gian, nên phần link bắt buộc mình phải outsource.

#5. Về tốc độ load web, đây có lẽ là phần mình ít đụng đến nhất vì đơn giản mình mù code, và mình nghĩ cũng không phải là phần chính của quá trình fix.

Nhưng mình vẫn cố gắng cải thiện điểm core web vitals trong khả năng bằng cách dùng combo giao diện Generate Press + plugin tối ưu tốc độ WP Rocket + tắt bớt các plugin không cần thiết.

#6. Thêm vào đó, mình vẫn liên tục up thêm bài mới cho site, chủ yếu là bài info nhắm đến các key dễ dạng hỏi đáp và so sánh.

Mình không up thêm các bài best và review nhằm giữ tỷ lệ bài best/review trên site không quá 25%.

Kết quả quá trình fix site ra sao?

Sau khoảng 3 tháng, traffic của site dần được cải thiện.

sc

Các từ khóa best/review trước đó cũng cải thiện dần thứ hạng, mặc dù chưa thể quay lại ngay các vị trí cũ từ trước đó.

Biểu đồ thứ hạng từ khóa trung bình của site cũng cho thấy sự nhích lên nhẹ.

sc 2

Income của site cũng dần ổn định hơn.

Và ở thời điểm này, site mình vẫn đang trong quá trình được list trên sàn của EF.

Quy trình bán site trên Empire Flippers

Trong case study này, mình cũng sẽ chia sẻ qua một số điểm chính về quá trình list site bán trên sàn EF.

Tại sao lại chỉ cho riêng EF là bởi mỗi sàn sẽ có các bước và quy trình khác nhau.

Và mình chọn EF bởi quen với cách làm việc của bên đó, và nói gì thì nói EF vẫn là #1 khi nói đến bán site.

Mặc dù về bản chất, tất cả đều là bên trung gian ăn hoa hồng ở giữa và giúp quá trình bán site của mình được nhanh, thuận lợi, và chuyên nghiệp hơn.

Về cơ bản, các bước thực hiện từ khi bạn có ý định bán site qua EF cho tới khi tiền về tài khoản sẽ gồm các bước dưới đây.

Bước 1: List thông tin ban đầu

Ở bước này, bạn cần truy cập link https://empireflippers.com/sell-your-site/ và điền đầy đủ các thông tin ban đầu về site để gửi cho bên EF.

Khi click vào link trên, bạn sẽ có 2 lựa chọn như bên dưới:

Nếu đã thực sự sẵn sàng cho việc bán site, hãy chọn List your online business.

Còn nếu mới chỉ muốn thử check xem site của bạn đang có giá trị khoảng bao nhiêu, hãy chọn Valuation tool.

Sau đó làm theo hướng dẫn.

Bước 2: Khai báo thông tin chi tiết vào file P&L của EF và trả lời thêm các câu hỏi cho site của bạn

Sau khi xong bước 1, sẽ có một người đại diện của EF contact với bạn qua email và mở một ticket cho riêng site của bạn.

Khi này, nhiệm vụ tiếp theo thường sẽ là điền thông tin chi tiết cho file P&L (Profits & Losses) của bên EF.

Với các site affiliate Amazon, file P&L sẽ có dạng như hình dưới đây.

p&l3

Ở đây có một lưu ý đặc biệt về phần Add backs (Discretionary spending)

Bạn có thể hiểu đơn giản đây là phần chi phí KHÔNG cố định hàng tháng, hay có thể hiểu là tiền đầu tư một lần.

Phần tiền này thường là tiền mua backlink hoặc thuê viết bài.

Vì các phần chi phí đó trong một tháng bạn có thể không dùng đến mà site vẫn chạy và ra tiền bình thường.

Và buyer về sau không cần  phải chi lại phần kinh phí đó nữa khi mua site về.

Nên thông thường phần chi phí này sẽ được EF “hoàn lại” một phần hoặc toàn phần khi tính thu nhập của site trong 1 tháng.

Hiểu đơn giản ví dụ trong 01/2021 ở trên, doanh thu (revenue) tổng của site là $1,370.06 còn tổng chi phí (expenses) là $489.47 trong đó có $460.2 là chi phí một lần cho content.

Khi đó, mặc dù thực tế mình chỉ đút túi $1,370.06 – $489.47 = $880.59 , nhưng khi tính lợi nhuận (profits) của tháng đó để tính giá bán site cuối cùng, EF sẽ tính profits của 01/2021 là $1,370.06 – $489.47 + $460.2 = $1340.79

Như vậy là phần kinh phí content và backlink hàng tháng của site này mình đươc hoàn lại 100%.

Bạn hiểu cách tính này chứ?

Tất nhiên, không phải site nào cũng được vậy, site càng lớn, chi phí càng nhiều thì % được hoàn lại sẽ thấp hơn, có thể chỉ là 50-80% hoặc thậm chí không đươc hoàn.

Còn trong trường hợp này, mình có nói với bên EF rằng site mình bán trước đó được hoàn 100% nên lần này họ cũng chốt phương án đó cho mình.

Quen biết để làm gì, phải không :))

Ngoài phần đó ra, đây là quy trình các bước cần hoàn thành trước khi site lên sàn chính thức.

Cơ bản là sau khi bạn điền đủ hết thông tin, EF sẽ cho bạn mức giá đề xuất để bán site.

Bước 3: EF chốt giá bán site sau khi cân nhắc tất cả các thông tin bạn điền ở bước 2

Và việc của bạn lúc này là vào phần dashboard của tài khoản và bấm đồng ý (Accept) mức giá bán đề xuất của EF nếu thấy đã hợp lý.

Ở bước này, bạn vẫn có quyền phản hồi lại và đề xuất một mức giá khác mà bạn thấy phù hợp.

Còn theo kinh nghiệm của mình, mức giá được bên EF phát thường là mức tối ưu nhất để giao dịch với các site Amazon affiliate.

Mình chưa từng giao dịch các business khác ví dụ FBA, POD, hay dropship nên không rõ các hình thức đó mức phát giá như thế nào.

Hãy nhớ rằng, EF là bên trung gian ở giữa và chỉ ăn hoa hồng khi giao dịch thành công giữa bên mua và bên bán.

Do đó, họ cũng mong site của bạn được trao tay càng nhanh càng tốt với mức giá càng cao càng tốt giống bạn vậy.

Nên hãy yên tâm về khoản định giá này.

Bước 4: Site chính thức lên sàn

Nghe như kiểu IPO cổ phiếu ấy nhỉ :))

Thật ra là sau khi bạn đã OK đồng ý mức phát giá bên EF đề xuất, site của bạn sẽ chính thức lên sàn vào ngày thứ 2 tiếp theo gần nhất.

Khi site đã lên sàn, bạn có thể login vào phần seller dashboard để xem diễn biến.

Các thông tin quan trọng trong hình trên là phần màu đỏ và màu xanh.

Màu đỏ là các thông tin liên quan đến chỉ số của site gồm giá bán, hệ số nhân, lợi nhuận trung bình của site trong 12 tháng qua, ngày update thông tin gần nhất.

Còn phần màu xanh hiển thị số lượt xem listing của site và số lượt unlocks.

Lượt unlocks ở đây có thể hiểu đơn giản là trong số hàng ngàn lượt xem kia, bao nhiêu người thực sự có hứng thú với site của bạn sau khi đọc thông tin ban đầu.

Và những người đó sẵn sàng đặt cọc 10% (nếu mình nhớ không nhầm) giá trị của site để được vào xem URL của site và thông tin chi tiết.

Khi này, nếu site vẫn đang trên sàn và chưa bán, bạn có thể nhìn thấy list những buyer tiềm năng đó trong mục Unlocks >> Active unlocks.

Bước 5: Chốt bán

Khi có các buyer tiềm năng vào xem listing, thường sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • Hoặc là có một buyer chốt mua luôn site của bạn với mức giá EF đề xuất ban đầu
  • Hoặc sẽ có các buyer trả giá (offer) một mức giá mà họ thấy phù hợp

Trường hợp 1 thì quá OK rồi, không còn gì để phải nói nữa cả, phải không?

Mình từng có site chốt xong luôn chỉ sau 1 ngày list bán.

Nhưng những site chốt nhanh như vậy hiếm lắm.

Còn trường hợp 2 thì là trường hợp của case study này.

Có một buyer thích site của mình, nhưng anh bạn này muốn offer mức giá $35,200 thay vì mức giá đề xuất $52,560 của EF.

Và sau 1 ngày cân nhắc, mình chấp nhận bán site với mức giá đó.

Lý do là gì thì mình cũng có nói trên đầu rồi.

Có một lưu ý ở đây, đó là khi 1 buyer ra giá offer cho mình, tất cả các buyer khác còn đang active sẽ có thông báo về điều này.

Và họ có 24h để “bid đè” hay counter offer (trả giá cao hơn 10%) mức giá mà buyer kia đang đưa ra.

Nếu sau 24h mà không có ai trả giá cao hơn, site sẽ được bán cho người ra giá cao nhất.

Bước 6: Chuyển giao site và check income

Ở bước này, bên EF sẽ chủ động tạo 1 ticket mới hướng dẫn bạn và buyer các bước cần thực hiện để chuyển giao site thành công và nhanh nhất.

Thường quy trình này sẽ mất từ 10-14 ngày với Amazon niche site.

Tất nhiên, site càng to và càng nhiều thứ liên quan, thời gian này sẽ càng lâu.

Và sau khi chuyển giao site xong, tiếp theo sẽ là 14 ngày check income hay bên EF gọi là Inspection period.

Vậy phần check income này hoạt động ra sao?

Hiểu đơn giản thì nếu site bạn trung bình mỗi tháng doanh thu (income) là $1,000 trong 12 tháng vừa qua.

Thì 14 ngày income sẽ là $1,000 / 30 * 14 = $466.67

Và để qua được phần kiểm tra này, site của bạn sau khi chuyển giao cho buyer phải tạo ra income TỐI THIỂU là 50% của số bên trên, tức là $466.67 / 2 = $233.33 trong 14 ngày.

Nếu phần check này OK, bên EF và buyer sẽ xác nhận cho bạn.

Còn nếu không OK thì sao?

Khi đó, buyer có quyền BỎ không mua site nữa hoặc deal lại giá.

Tin mình đi, bạn sẽ không muốn ở vào tình huống đó đâu.

Bước 7: Tính số tiền nhận về và gửi thông tin banking để nhận tiền

Sau khi có xác nhận từ buyer site đã chuyển giao xong và income đã OK, bên EF sẽ tính số tiền bạn nhận về sau khi trừ phí hoa hồng và các khoản tiền phát sinh khác.

Thông thường phí hoa hồng là 15% cho các business trị giá dưới $700,000.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển giao site chưa hoàn tất kể từ khi buyer chốt mua và chuyển tiền cho EF, site phát sinh ra bao nhiêu income, EF sẽ trừ đi số tiền tương ứng của bạn và chuyển cho buyer.

Còn bạn sẽ nhận lại số tiền đó về sau tới tài khoản Payoneer nhận tiền hàng tháng của bạn.

Tức là bạn không mất số tiền đó.

Chỉ đơn giản là bạn sẽ nhận số tiền đó sau mà thôi.

OK, vậy thôi, số tiền còn lại là bao nhiêu sẽ được chuyển về tài khoản ở Việt Nam cho bạn.

EF có nhiều lựa chọn nhận tiền, kể cả nhận bằng Bitcoin cũng có.

Nhưng mình thường chọn bank thẳng về tài khoản USD ở ACB của mình.

Và từ tài khoản đó, mình sẽ chuyển sang VND.

Từ khi EF thông báo đã “bắn” tiền thành công cho tới khi tiền về tài khoản thường là trong 24-48 giờ.

Khá nhanh phải không?

Kinh nghiệm rút ra

Sau case study lần này và các site bán trước đó, mình rút ra một số kinh nghiệm để share với mọi người:

#1. Chủ động email buyer sau khi họ unlock

Tip này là một tip quan trọng bạn cần biết và chắc chắn mình sẽ dùng cho các site về sau.

Nếu chỉ để buyer tự unlock, tự vào xem, tự đánh giá, khả năng cao họ sẽ bỏ qua nhiều chi tiết, hay có nhiều câu hỏi họ ngại hoặc lười hỏi, dẫn tới việc bỏ qua luôn.

Thay vì như vậy, mỗi khi thấy có thêm một người mới unlock vào xem site, hãy chủ động email cho họ và giới thiệu về bản thân cũng như bảo họ cần hỏi gì cứ nói, đừng ngại.

Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt và khiến buyer dễ mở lời với bạn hơn.

Và anh bạn đưa giá offer bên trên chốt giá đó một ngày sau khi mình chủ động email cho anh ta.

Mặc dù EF khuyên mọi trao đổi nên thực hiện thông qua ticket của EF, nhưng bạn có thể thực hiện tip này của mình.

Chỉ nhớ một điều đó là KHÔNG ĐƯỢC giao dịch ngầm thông qua email với buyer mà không thông qua EF.

Bởi nếu làm vậy là bạn đã phá bỏ điều khoản khi list site ban đầu rồi đấy.

#2. Nếu muốn bán nhanh thì nên giảm hệ số và để thu nhập trung bình 12 tháng (L12M)

Nhiều khi vì muốn bán đươc giá cao, bạn có thể deal với EF để hệ số cao hơn và income trung bình từ 6-9 tháng gần nhất khi income của site tốt.

Điều đó tốt cho bạn và EF, nhưng sẽ là điểm trừ với buyer nếu bạn đặt mình vào vị trí của họ.

Thường mình khuyên nếu muốn đẩy site đi nhanh, hãy lấy trung bình 12 tháng gần nhất (Last 12 Months – L12M) và hệ số thấp hơn tầm x30 – x35.

Khi ấy, buyer sẽ cảm thấy site của bạn hấp dẫn hơn.

Và hãy chủ động liên hệ với EF và đề xuất điều này nếu bạn cảm thấy đó là điều đang ngăn cản buyer tiềm năng mua site của bạn.

#3. Thực hiện task list nhanh nhất có thể để đẩy nhanh quá trình

Nếu muốn nhận tiền về sớm thì bạn nên hoàn thành các đầu việc càng nhanh càng tốt.

Bởi có nhiều việc chỉ khi bạn xong thì bên EF hay buyer mới có thể tiếp tục.

Ngoài ra, không phải bạn cứ làm xong việc là bên kia sẽ làm ngay.

Nhiều khi buyer còn nhiều việc khác và phải 2-3 hôm sau họ mới quay lại làm tiếp các phần việc còn lại của họ khi chuyển giao site.

Do đó, bạn càng nhanh thì tiền về sẽ càng sớm.

#4. Cách rút ngắn 14 ngày inspection period

Trước khi chia sẻ tip này, mình muốn nói là nó sẽ phụ thuộc trường hợp cụ thể.

Và không có gì đảm bảo là tip này sẽ áp dụng được cho bạn, nhưng cứ thử xem nhé.

Trong case study này, mình có để ý là trong quá trình chuyển giao site, khi Amazon tracking ID của mình đã được đổi sang cho buyer, và site đã được chuyển sang tài khoản Ezoic của buyer, thì chỉ trong 10 ngày, income từ site đã vượt mức tối thiểu 50% cần có.

Tức là còn chưa chuyển giao xong hoàn toàn, site đã đủ điều kiện của 14 ngày inspection period cần có.

Do đó, mình có đề cập đến thông tin này, và rất may là buyer đồng ý không cần phải chờ 14 ngày kia làm gì nữa.

Chỉ cần chuyển xong site là sẽ coi như xong.

Vậy là tiết kiệm được hẳn 14 ngày chờ đợi luôn!

#5. Nên cân bằng tỷ lệ nội dung trên site, ưu tiên info 80/20

Một tip nữa đó là với các site kiếm tiền từ Amazon affiliate, việc giữ tỷ lệ bài info khoảng 70-80% tổng số bài là rất quan trọng.

Bài info ở đây là các bài nhắm đến các từ khóa dạng hỏi đáp, thay vì các key best/review thông thường.

Mình đã từng chia sẻ về vấn đề này trước đây, và bây giờ sẽ càng cần thiết khi chính Google cũng đề cập đến ý này trong guideline về tiếp thị liên kết.

Bởi các site có quá nhiều bài nội dung dạng best/review kiếm tiền thường sẽ bị Google đánh giá kém chất lượng, và việc tụt rank khi update sẽ chỉ còn là câu chuyện sớm hay muộn.

Do đó, nếu bạn muốn làm site về lâu dài, hãy nhớ điều này.

#6. Hãy tiếp tục duy trì và làm site như bình thường khi list bán

Nhiều bạn có thể có tâm lý buông luôn khi site đã lên sàn và không làm gì cho site nữa.

Nhưng để có kết quả tốt nhất, mình khuyên hãy cứ tiếp tục phát triển site như bình thường.

Nếu không đăng thêm bài mới hay mua thêm link mới thì hãy quay lại audit các bài cũ.

Ít nhiều nó cũng sẽ giúp site duy trì ổn định trong quá trình giao bán trên sàn.

Bằng chứng là với case study này, mình vẫn vừa list site trên sàn vừa fix cùng lúc như thường.

#7. Bán site khi site đang lên là tốt nhất

Khi site đang phát triển tốt và có tuổi đời từ 12-15 tháng trở lên, đó có thể là thời điểm vàng để bạn cân nhắc bán site.

Khi ấy, thường site sẽ được giá và bán nhanh nhất.

Còn khi site đã có vấn đề như site này của mình thì cũng vẫn bán được, nhưng khi đó buyer sẽ có lý do để “ép” giá.

Tất nhiên, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn.

Bởi chỉ bạn mới có thể biết được là có tiếp tục phát triển site tiếp hay dừng lại và bán để lấy vốn làm site/việc khác.

Kết luận

OK, tạm kết ở đây nhỉ?

Lâu lắm rồi mình mới lại ngồi viết dài thế này.

Cảm ơn bạn vì đã đọc đến tận đây.

Hi vọng case study này của mình có ích với bạn phần nào.

Nếu có câu hỏi gì liên quan, cứ comment lại, mình sẽ trả lời trong tầm hiểu biết và kinh nghiệm của mình.

Chúc bạn luôn kiếm tiền tốt với website của mình nhé.

7 bình luận về “(Case Study) Phát Triển Và Bán Niche Site Thu Về $44,470.01 Sau 19 Tháng”

  1. Chúc mừng bạn, casestudy chi tiết quá, cho mình hỏi 1 câu, khi bán site, mình muốn tiền chuyển về tk Payoneer thay vì tk bank VN đc ko? EF có lựa chọn đó ko bạn? Tks bạn

Bình luận đã đóng.