Năm 2020 vừa qua thật sự là một năm với quá nhiều “bất ngờ”, phải không?
Và với anh chị em làm SEO, vui nhất có lẽ là món quà Noel cuối năm 2020 vừa rồi từ Google :))
Đúng vậy, mình đang nói đến lần cập nhật thuật toán lõi Core Update tháng 12/2020 vừa rồi của Google.
Không “vui” sao được khi thấy những pha traffic cắm đầu kiểu này:
Đây là một site Amazon affiliate mình dựng lại bằng expired domain.
Tháng 11/2020, website có thu nhập khoảng $1700 từ cả sales Amazon và Ezoic.
Tháng 12 thì đang vui những ngày đầu, cho đến ngày 08/12, khi website chính thức cảm nhận được sức nóng từ lần cập nhật này.
Lần update này được nhận định là còn khủng khiếp hơn lần update tháng 05/2020 trước đó.
Tất nhiên, có nhiều site tăng trưởng tốt sau đợt update vừa rồi.
Tuy nhiên, theo những gì mình thấy, con số đó không thấm vào đâu so với số lượng các site bị Google cho ra đảo lần này.
Nhưng như của mình bên trên vẫn chưa là gì.
Mình không tưởng tượng được là các webmaster của các site dưới đây cảm thấy thế nào!
Cái này có thể gọi là đột tử cũng được đấy nhỉ?
Còn rất nhiều site lớn khác mình biết có chung số phận như vậy.
Tất nhiên mình sẽ không nói các site trên là site nào.
Nhưng điều đó không quan trọng.
Quan trọng là điều gì đã khiến các website đó thành ra như vậy?
Điều gì đã khiến Google “ngứa mắt” đến mức chỉ sau một thời gian ngắn đã đánh sập gần như hoàn toàn các website triệu $$$ này?
Và khi đã không may mắn rơi vào tình cảnh này, các webmaster phải làm gì để cải thiện tình hình?
Đó cũng là những câu hỏi mình đi tìm câu trả lời trong suốt thời gian qua.
Và trong bài viết này, mình xin tổng hợp ý chính từ các bài chia sẻ, nhận định của 5 website đầu ngành trên thế giới.
Những người sở hữu hoặc làm việc cho các website này có đủ nhiều các case study để có thể đưa ra được phần nào đó kết luận chính xác.
Còn về phần mình, mình cũng sẽ chia sẻ những gì mình quan sát thấy và tận mắt trải nghiệm với các site của mình trong lần update vừa rồi.
OK, bắt đầu thôi.
#1. Glenn Gabe (G-Squared Interactive)
Link nguồn (2 phần): Phần 1 + phần 2
Glenn là một trong số ít các chuyên gia đầu ngành mình follow sát nhất.
Nếu nói về dịch vụ khôi phục website bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuật toán của Google, Glenn và GSQi có lẽ là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều tổ chức lớn.
Và trong 2 phần của bài viết, Glenn có đúc kết lại được một số nguyên nhân chính khiến nhiều site bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lần update vừa rồi:
- Các site affiliate nhắm đến các ngách YMYL (sức khỏe, tài chính…) bị ảnh hưởng rất mạnh trong lần update vừa rồi. Một lần nữa, nếu bạn không thật sự là “tay to”, mình khuyên không nên bén mảng đến các lĩnh vực về YMYL vì mức độ rủi ro rất cao.
- Các website chạy nhiều ads trên site, ads che khuất nội dung, hoặc tệ hơn là khiến người dùng tưởng nhầm ads đó là nội dung để click vào đã bị ảnh hưởng rất nặng. Chính Google cũng đã từng nói đến vấn đề này trong bài viết về Core Update trước đây (link nguồn).
- Các site với lỗi lớn về kỹ thuật (technical SEO) ví dụ quá nhiều index rác (thin content, content trùng lặp…), lỗi canonical, session ID… đều bị ảnh hưởng nặng. Đơn giản bởi điều đó khiến Google đánh giá tổng thể website kém đi rất nhiều.
- Nội dung liên quan và hữu ích cho người dùng vẫn là quan trọng nhất, kể cả khi site có các vấn đề khác cần giải quyết. Do đó, bạn không nên bắt chước một cách mù quáng những gì site khác đang làm. Đơn giản bởi site của bạn khác site của họ.
- Link từ các site lớn, uy tín trong ngành là sự khác biệt lớn giữa các site tăng hạng và tụt hạng trong lần update này.
Còn về phần các bước đi cụ thể để cải thiện tình hình, Glenn có các gợi ý sau:
- Nếu site bạn bị ảnh hưởng tiêu cực, hãy sửa tất cả những gì bạn thấy có vấn đề với site (technical, speed, layout, onpage, content trùng lặp, backlink…). Và mục tiêu là cải thiện tổng thể chất lượng của site trong một khoảng thời gian đủ dài để Google có thể xem xét lại.
- Check tất cả các trang nội dung chất lượng kém, thin content hoặc trùng lặp và cải thiện chúng. Nếu không, hãy noindex, xóa hoặc gộp các trang đó vào các trang nội dung chất lượng cao liên quan hơn trên site.
- Điều chỉnh lại các yếu tố về ads và UX. Tránh gây ảnh hưởng hoặc cản trở việc người dùng đọc nội dung của bài viết.
- Cải thiện các yếu tố về technical SEO cho site ví dụ tốc độ load trang, canonical, link nội bộ, session parameter, giảm số lượng index các bài chất lượng kém hoặc không có nội dung…
- Hãy check thử xem liệu có phải Google đã có sự điều chỉnh về mức độ liên quan của các từ khóa mà trước đó bạn đứng top hay không? Ví dụ nếu trước đó bạn đứng top cho các từ khóa không đúng dụng ý tìm kiếm của người dùng và giờ bị Google đánh tụt thì rất tiếc là bạn sẽ gần như không thể làm gì trong tình huống này.
- Core update là tổng thể của rất nhiều các thuật toán nhỏ cộng lại và cho ra kết quả cuối cùng. Vì vậy, đừng cố tìm ra một lý do cụ thể khiến site bạn bị tụt. Mà thực tế có thể là sự tổng hòa của rất nhiều những lỗi nhỏ cộng dồn lại.
- Hãy thử nhờ người thân, bạn bè hoặc bất kỳ ai khác “review” lại site của bạn xem website có vấn đề gì về trải nghiệm người dùng, độ hữu ích của nội dung hay không. Điều đó sẽ khách quan hơn là việc bạn tự mình đánh giá.
- Tham khảo thêm các bài viết về E-A-T từ các chuyên gia đầu ngành khác (Lily Ray, Marie Haynes), và hãy nhớ đọc kỹ tài liệu của Google về Quality Rater Guidelines (link gốc). Đó đều là các mỏ vàng thông tin về những gì Google mong muốn hướng tới trong tương lai.
- Nếu website bị ảnh hưởng bởi core update, khả năng cao là bạn sẽ cần phải đợi tới lần update core tiếp theo để site có thể hồi phục – thường 3-4 tháng một lần (nếu các thay đổi của bạn là đúng). Do đó, đừng chỉ thay đổi trong 1-2 tuần, không thấy kết quả rồi lại quay lại đường cũ. Rất có thể những gì bạn vừa làm là đúng. Chỉ là Google chưa thể đánh giá ngay lại được mà thôi.
- Có những website có thể hồi phục trong lần update core tiếp theo mà không thay đổi bất cứ điều gì trong khoảng thời gian ở giữa 2 lần update đó. Tuy nhiên, số lượng đó là không nhiều. Và việc bạn lựa chọn không thay đổi hay cải thiện gì cho site có thể khiến website dễ bị ảnh hưởng tiêu cực trong các lần update tiếp sau này.
#2. David McSweeney (Seobility)
Đây có lẽ là một trong những bài viết thú vị và “gây tranh cãi” nhất về lần update core tháng 12 vừa rồi của Google mà mình từng đọc.
Và nếu có thể đọc hiểu tiếng Anh, mình khuyên bạn nên đọc bài gốc như một cách để cười giải tỏa stress :)))
Đơn giản bởi nó có phần đi ngược lại truyền thông chính thống trong ngành.
Các chuyên gia khác thì đưa ra nguyên nhân và hướng giải quyết.
Còn trong bài viết của mình, David lại đi theo hướng chỉ ra những điều bất hợp lý trên trang kết quả sau lần update vừa rồi.
Hay nói cách khác, những điều chỉnh của Google gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về spam trên các kết quả tìm kiếm.
Google luôn nói rằng việc update là để giúp đưa những kết quả tốt nhất đến với người dùng.
Nhưng giữa nói và làm của Google thì không hẳn là lúc nào cũng thống nhất.
Và đây là những gì David đã quan sát được.
- Site build bằng expired domain với bộ link khủng vẫn “bá đạo” trên top. Bất kể niche cũ và niche mới không liên quan gì đến nhau. Hay site có thiếu các yếu tố E-A-T cơ bản nhất như trang About, Privacy policy, Contact… Và việc John Mueller từng nói rằng Google sẽ “reset” lại sức mạnh của link nếu thấy niche cũ và site mới không liên quan về mặt chủ đề có vẻ cũng sai bét.
- Khả năng phát hiện link cloaking của Google vẫn rất tệ. Bằng chứng là có rất nhiều keyword trong nhiều niche khác nhau có kết quả rank top là các trang redirect, bị hack, hay thậm chí là cả link affiliate.
- Nội dung dạng “black hat” ví dụ spin, spam, scrape, nhồi nhét từ khóa với mục đích làm cho nội dung đó đủ unique vẫn top bình thường, bất chấp nỗ lực “rao giảng” của Google về nội dung chất lượng.
- Không biết làm thế nào để rank top cho các key liên quan đến chủ đề YMYL ư? Hãy dựng một site vệ tinh trên google site hay bất kỳ site web 2.0 lớn nào khác và spam nội dung/backlink lên đó, bạn có thể sẽ đứng top rất cao luôn! Không tin ư? Check thử key “buy jintropin” này và bạn sẽ thấy kết quả này https://sites.google.com/site/buyjintropin2 (Google gọi dạng nội dung này là doorway pages)
Nhưng những điều trên có vẻ chưa phải là mấu chốt của vấn đề.
Điều nguy hiểm nhất chính là việc những điều chỉnh kiểu này có khả năng sẽ tạo ra nhiều spam và các trang web kém chất lượng hơn nữa trong tương lai.
Tại sao lại như vậy ư?
Bởi khi các webmaster white hat chân chính nhận ra rằng họ không hề an toàn như họ nghĩ khi chấp nhận chơi theo luật của Google, thì khả năng cao họ sẽ thử luôn các cách làm black hat hơn để leo top.
“Đằng nào cũng có thể bị phạt, tội gì không thử làm láo?”
Vừa nhanh, vừa tiết kiệm, vừa đỡ đau đầu hơn làm white hat, phải không?
Tất nhiên, không ai muốn điều đó xảy ra, và hi vọng Google có thể điều chỉnh hợp lý hơn trong những lần update sau.
Còn về cuối bài, David có gạch các đầu dòng gợi ý cho các webmaster bị ảnh hưởng tiêu cực làm thế nào để cải thiện tình hình.
Phần này giống phần #1 của Glenn bên trên nên mình sẽ không note lại nữa.
#3. Barry Schwartz (Search Engine Roundtable)
Bạn còn nhớ ý bên trên mình nói khi có những site không làm gì vẫn hồi phục sau update chứ?
Và website SEroundtable.com của Barry là một ví dụ điển hình.
Website của ông bị ảnh hưởng tiêu cực trong lần update tháng 5/2020.
Sau đó, quyết định của ông là không làm gì cả.
Chỉ tiếp tục đăng bài và tương tác như bình thường.
Và lần update core tháng 12 vừa rồi đã đẩy site tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, chính Barry cũng khuyên đây không phải là cách tiếp cận phù hợp nếu bạn thật sự muốn “hồi sinh” website.
Đơn giản, ông chỉ muốn test xem liệu cách làm đó có mang lại kết quả gì hay không.
Và cũng bởi website SEroundtable.com không phải nguồn thu nhập chính của ông.
Do đó, nếu bạn có thu nhập từ nhiều website, nhiều nguồn khác nhau, bạn cũng có thể thử cách “mặc kệ nó” này.
#4. Roger Montti (Search Engine Journal)
Trong bài tổng hợp của mình, Roger Montti có ghi lại nhận định của 5 chuyên gia đầu ngành khác về lần update core tháng 12 vừa rồi (Dave Davies, Steven Kang, Daniel K Cheung, Cristoph Cemper, Michael Martinez).
Và có một ý mình thấy khá hay và đáng suy ngẫm đó là:
“Các lần update của Google dường như đã ít liên quan hơn tới điều chỉnh trọng số (factors), mà thiên nhiều về việc hiểu rõ hơn ngữ nghĩa của từ khóa và trang nội dung.”
Nhận định này đúng hay sai, theo mình sẽ cần các luận điểm chắc chắn để chứng minh.
Nhưng nó ít nhiều cũng cung cấp một góc nhìn mới cho sự hỗn loạn mà Google gây nên gần đây trên các trang kết quả tìm kiếm.
Còn về phần tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, mình xin tóm tắt như sau:
- Lần update này có thể liên quan nhiều hơn đến việc Google đọc hiểu được các bài nội dung hơn là backlink hay các yếu tố liên quan khác. Đặc biệt, việc nhiều site tăng trưởng trong những ngày đầu update và tụt mạnh ngay sau đó cho thấy Google có thể đã tính toán lại “điểm số” hàng loạt cho tất cả các trang nội dung đó. Và đây cũng có thể là lần update mở đường cho nhiều điều chỉnh lớn hơn trong tương lai.
- Core update dường như đã không còn là câu chuyện về các yếu tố đơn lẻ (ví dụ site dùng PBN, redirect 301, thin content nhiều… thì bị phạt). Mà là cách để thuật toán của Google học và tự trưởng thành hơn trong việc tự phát hiện các “thủ thuật” của người làm SEO và theo đó điều chỉnh thứ hạng website một cách tự động về sau.
- Trọng số của từng dạng link và ngay cả link dofollow / nofollow dường như cũng đã thay đổi. Google cũng đã đẩy mạnh việc hiển thị featured snippet / answer box. Và các hệ thống PBN cũng như link out reach có footprint “lộ liễu” cũng đã bị giảm sức mạnh.
- Một giả thuyết khác đó là Google có thể đã ứng dụng nhiều hơn AI và NLP vào lần update này để giúp việc hiểu chính xác hơn dụng ý tìm kiếm của người dùng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết và cũng sẽ rất khó để có thể chứng minh.
#5. Mordy Oberstein (Rank Ranger)
Cách tiếp cận của Mordy đó là phân tích một số lượng lớn keyword của nhiều ngành khác nhau.
Sau đó, so sánh nội dung của các bài viết được Google đẩy lên và các bài viết bị Google cho giảm hạng.
Mục đích là từ những gì quan sát được về mặt cấu trúc nội dung giữa các bài đó để tìm ra một “chủ đề” chung của mỗi lần cập nhật.
Và với lần update core tháng 12 này, đây là những gì Mordy rút ra được:
- Đợt update tháng 12 này dường như chủ yếu là sự điều chỉnh của Google về mức độ liên quan giữa các bài nội dung và từ khóa mà chúng xứng đáng được đứng top. Điều này khác với các lần update trước đó vốn thiên về các yếu tố YMYL hay nhắm tới các site chú trọng quá nhiều đến việc kiếm được tiền từ user càng nhanh càng tốt.
- Dường như các bài viết tổng quan chung chung về một chủ đề nào đó (dạng bài skyscraper hay ultimate guide / long form content) đã bị thay thế phần lớn bởi các bài viết chi tiết chú trọng 100% tới chủ đề từ khóa mà người dùng tìm kiếm. Trừ trường hợp từ khóa người dùng tìm kiếm thích hợp để trả lại một bài viết tổng quan dạng chung chung.
Mình sẽ làm gì để cải thiện các site bị tụt?
Để nói về Google update thì có lẽ sẽ là chủ đề không bao giờ có hồi kết.
Đơn giản bởi không ai có thể tự tin khẳng định hiểu được 100% thuật toán của Google có những gì.
Và mình tin không ai dám vỗ ngực khẳng định 100% website không bao giờ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các lần update của Google.
Còn về phần mình, với các website bị ảnh hưởng, đây sẽ là những việc mình sẽ làm sắp tới:
- Cân đối lại tỷ lệ nội dung bài best/review/info trên site. Vì mình để ý các site có tỷ lệ bài money post cao đợt vừa rồi phần lớn đều tụt. Mình đang hướng đến tỷ lệ 40% bài info cho các site còn lại của mình.
- Chỉnh sửa lại các phần về E-A-T cơ bản cho site ví dụ viết kỹ hơn các trang About, contact, privacy policy, update thêm địa chỉ địa lý…
- Chỉnh sửa lại bố cục các bài best, đẩy phần buying guide và các phần thông tin hữu ích lên cao hơn thay vì ở dưới so với phần bảng so sánh và review sản phẩm.
- Dùng Page Optimizer Pro (POP) để tối ưu lại Onpage các bài đang có trên site. Mục đích là để giúp Google thấy các bài nội dung của mình liên quan hơn tới từ khóa chính.
- Tối ưu lại về page speed cho site. Phần này khá khoai với một đứa mù code và server như mình, nhưng khả năng là mình vẫn mò được. Còn bí quá thì nhờ anh em 😀
- Lên thêm content mới nhắm đến các key dễ liên quan đến chủ đề tổng thể của site. Phần này rất quan trọng bởi mình từng làm điều tương tự cho các site bị ảnh hưởng bởi core update tháng 05/2020 và các site này sau đó đều hồi phục tốt.
- Xây dựng thêm link guest post hoặc PBN cho site để tăng rank. Đây là điều trước đây mình từng trì hoãn vì một phần muốn backlink profile của site “đẹp không tì vết” khi flip. Nhưng sau lần update này mình quyết định sẽ thực hiện bước này.
- Check lại backlink cũ trỏ đến site và disavow các link mình cảm thấy có vấn đề.
- Tìm cách đẩy thêm traffic từ Pinterest về site để giảm phụ thuộc gần như 100% vào organic traffic.
- Check lại các site đang đứng top bây giờ và xem các site đó có gì khác biệt so với site của mình.
…
Tất nhiên, đây chỉ là các gạch đầu dòng.
Và mình sẽ có điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Nhưng mình nghĩ nếu thực hiện được tất cả các bước trên thì site sẽ có cơ hội cao hồi phục trong lần update tiếp theo.
Tạm kết
Một bài tổng hợp khá dài về core update tháng 12, phải không?
Hi vọng những thông tin mình tổng hợp được hữu ích phần nào với bạn.
Chúc bạn sớm “hồi sinh” lại được site của mình nếu site bị tụt đợt vừa rồi.
Còn nếu site bạn bay cao trong đợt vừa qua, đừng chủ quan!
Hãy làm mọi cách để site ngày càng tốt hơn, qua đó giữ được đà tăng trưởng trong những lần update tới.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và hãy share giúp mình nếu thấy bài viết hữu ích nhé.
Rất mong nhận được comment từ mọi người.
Thông tin rất bổ ích. Cảm ơn anh Duy ạ!
Không có gì em. Cảm ơn em đã ghé thăm blog 🙂
bài viết công phu quá , thanks duy nhe, unique value đây chứ đâu
Em cảm ơn bác ạ 😀
Thông tin rất hữu ích. Tks Bro!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog 😀