Google Core Update T5/2020: Điều Gì Đã Xảy Ra Và Làm Sao Để “Lật Ngược Thế Cờ”? (Tổng Hợp)

Năm 2020 thật sự là 1 năm kỳ lạ cho anh chị em làm SEO, MMO nói chung và Amazon affiliate nói riêng.

Bắt đầu với Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu khiến nhu cầu mua sắm giảm do người dân thất nghiệp, hết tiền tiêu vặt.

Rồi nhiều công ty, doanh nghiệp cũng cắt giảm phần lớn ngân sách quảng cáo, dẫn đến doanh thu từ Adsense của anh em giảm thảm hại.

Chưa đủ, giữa lúc thời cuộc nước sôi lửa bỏng, Jeff trọc (a.k.a trùm cuối Amazon) quyết định cắt giảm mức % hoa hồng của rất nhiều ngành hàng chủ chốt mà anh em affiliate đang chiến đấu.

Kết quả là đi đâu bạn cũng có thể gặp các post “chửi yêu” anh Jeff :))

Nhưng nếu bạn nghĩ đó đã là “đáy”, thì hãy khoan!

Ngay sau khi Amazon cắt giảm % hoa hồng không lâu, Google tham gia cuộc vui với quả bom nguyên tử mang tên “Update thuật toán lõi tháng 5” (Google May Core Update)…

Với cá nhân mình và rất nhiều anh chị em, cú đấm của Google mới là cú quyết định đã knock out rất rất nhiều người làm Amazon niche site và SEO.

Vì kể cả nếu ad rate và % hoa hồng giảm, nếu site vẫn tăng trưởng đều thì sẽ bù lại được ít nhiều, thậm chí income từ site sẽ vẫn tăng.

Nhưng khi traffic và thứ hạng từ khóa SEO giảm, lúc ấy mới là cơn ác mộng thực sự.

Trong số các site của mình cũng có site tăng, site giảm, nhưng phần giảm đang nhiều hơn.

Mình cũng đã đọc rất nhiều các bài viết về lần update thuật toán này của Google để đi tìm lời giải cho chính mình.

Và trong post này, mình xin tổng hợp lại một số ý kiến, nhận định của các site lớn và các chuyên gia đầu ngành mà mình tâm đắc nhất .

LƯU Ý: Bài viết là tổng hợp của mình về các bài viết mình đánh giá là chất lượng nhất về lần core update tháng 5 vừa rồi của Google. Các ý nêu trong bài là quan điểm cá nhân của tác giả. Mình đơn giản chỉ dịch tóm tắt lại sát nghĩa nhất có thể để mọi người cùng tham khảo.

Ngoài ra, có một ý cực quan trọng bạn cần nhớ về các lần core update của Google. Đó là việc site bạn bị giảm hạng KHÔNG nhất thiết là vì nội dung của bạn kém hay backlink của bạn có vấn đề.

Chỉ đơn giản là Google thấy nhiều bài nội dung/website khác TỐT HƠN bạn và nhấc các site đó lên top. Và khi các site đó top, thì chắc chắn sẽ có các site khác bị đẩy xuống dưới, vậy thôi 🙂

Hi vọng, nó sẽ cho bạn có thêm một vài ý tưởng để cải thiện tình hình nếu không may site bạn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lần update này.

Bắt đầu nhé.

1) Glenn Gabe từ G-Squared Interactive:

Link bài viết gốc: https://www.gsqi.com/marketing-blog/may-2020-google-core-update-case-studies/

Trong số các chuyên gia về SEO có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng nhất, mình đánh giá rất cao Glenn.

Nếu bạn chưa follow Glenn, mình khuyên bạn hãy bấm theo dõi fanpage của G-Squared Interactive ngay: https://www.facebook.com/gsquaredinteractive/

Trong bài viết, Glenn chia sẻ về4 case study của các site bị ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực sau đợt core update tháng 5 của Google.

Và mình xin tổng hợp lại một số ý chính của bài như sau:

1.1) Khi nói đến Google core update, sẽ KHÔNG BAO GIỜ chỉ có 1 yếu tố gây ảnh hưởng tới site

Mà sẽ là tổ hợp rất nhiều các yếu tố khác nhau gây ảnh hưởng cùng lúc tới site.

Từ chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng, các lỗi SEO kỹ thuật (technical SEO), cho đến backlinks và nhiều hơn.

Và điều đó đặc biệt đúng với các site YMYL (Your Money or Your Life) ví dụ như sức khỏe, tài chính, đầu tư, luật pháp…

Và để có thể thật sự thoát được khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ các lần core update của Google, Glenn đề xuất cách tiếp cận dạng “kitchen sink” – hay hiểu đơn giản là cải thiện hết tất cả những gì có thể cho site.

1.2) Thường Google sẽ có điều chỉnh về yếu tố liên quan (relevance) của các trang nội dung trong mỗi lần core update

Hiểu đơn giản, theo thời gian, bài viết của bạn có thể sẽ không còn tính “thời sự” nó vốn có như trước đây.

Google hiểu điều đó và sẽ giảm thứ hạng bài viết của bạn khi người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan.

Việc thứ hạng bị giảm đó không hẳn là do bài nội dung đó của bạn kém chất lượng.

Chỉ đơn giản là nó không còn quá liên quan tới từ khóa tìm kiếm của người dùng mà thôi.

1.3) Thường bạn sẽ cần đợi đến lần core update tiếp theo của Google để biết tình hình site có cải thiện hay không

Và đó là trong trường hợp bạn đã thực sự cải thiện đáng kể chất lượng site của mình về content, UX, UI, backlinks, load speed… đấy nhé.

1.4) Những thay đổi thực hiện quá gần thời điểm core update thường sẽ không được Google tính tới

Đại khái là nếu bạn chỉ mới bắt đầu update nội dung 2-3 tuần trước khi Google tiếp tục update core lần tiếp theo, khả năng cao là các cập nhật đó của bạn sẽ không có tác dụng gì.

Đơn giản bởi Google cần thời gian để xử lý và đánh giá đúng việc bạn đã thực sự làm site tốt lên trong một thời gian đủ dài hay chưa.

1.5) Case study site #1 – Phục hồi sau lần core update tháng 3/2019 của Google

Sau đây là các bước cụ thể mà site đã thực hiện để có lần hồi phục này:

B1: Cải thiện trải nghiệm người dùng

Loại bỏ form email choán phần lớn màn hình desktop và gần như toàn bộ màn hình mobile khi người dùng truy cập site, cũng như update lại phần menu điều hướng thân thiện hiện cho bản mobile.

B2: Cải thiện chất lượng nội dung và cấu trúc site

Update các bài viết cũ và các bài viết quá ngắn (thin content), tách các bài viết lớn không chuyên sâu thành các bài viết nhỏ chuyên sâu về các chủ đề nhất định.

Ngoài ra, website cũng xuất bản nhiều hơn các nội dung mang tính “thời sự”, thật sự liên quan cho người dùng từ đóng góp của các team liên quan trong tổ chức như sales, customer support…

B3: Cải thiện trải nghiệm cho phiên bản AMP của site thông qua update hệ thống CMS

B4: Cải thiện điểm E-A-T cho site

Do website hoạt động trong mảng y tế (YMYL), nên Google sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều để có thể xếp các bài nội dung trên site vào top kết quả tìm kiếm.

Và để cải thiện điều này, việc đầu tiên site này làm đó là nhờ các chuyên gia có trình độ thật sự trong ngành để update/viết các bài nội dung cho site.

Tiếp đó, website đã rất cố gắng để có được các backlink mạnh từ các site lớn, uy tín để cải thiện điểm E-A-T trong mắt Google.

Vì chính Gary Illyes đã đề cập tới việc chỉ số E-A-T phần lớn được quyết định bởi link từ các site lớn, uy tín.


 B5: Cải thiện các yếu tố kỹ thuật (technical SEO)

Các vấn đề kỹ thuật mà site đã sửa bao gồm tối ưu lại hệ thống link nội bộ, fix lỗi sử dụng 2 thẻ canonical cùng lúc trên trang nội dung, và fix lỗi file robots.txt block nhầm nhiều trang nội dung chính.

Kết quả

Sau quá trình fix và rất nhiều lần update chỉ tăng/giảm không đáng kể, lần core update tháng 5 vừa rồi đã giúp site tăng trưởng 53%.

1.6) Case study #2 – Site tăng trưởng tốt về tổng thể kể từ lần update Google Panda đầu tiên

Đây dường như là một site tin tức lớn với hàng trăm bài viết mới mỗi ngày.

Và các yếu tố chính Glenn có đề cập trong bài bao gồm:

  • Thường xuyên audit site để phát hiện các lỗi nguy hiểm với site dạng này như thin content, lỗi thẻ canonical, lỗi đọc và quét nội dung, lỗi file robots.txt
  • Ngoài ra, vì là site tin tức lớn, site rất hay gặp trường hợp nhiều bài viết xuất bản cùng ngày có nội dung “na ná” như nhau, dễ dẫn đến tình trạng keyword đá nhau cạnh tranh top. Do đó, việc phát hiện sớm và set thẻ canonical chuẩn là rất quan trọng.
  • Fix lỗi các URLs bị liệt kê “Discovered, not indexed” trong Search console. Các lỗi này, theo John Mueller của Google, thì có thể liên quan tới chất lượng nội dung hoặc lỗi về crawl budget với bot Google.

  • Cuối cùng, Glenn tin rằng một trong những lý do chính giúp site giữ được sự ổn định qua các lần update lớn của Google chính là các backlink tới từ các site báo lớn trên thế giới. Đơn giản, bởi điều đó là minh chứng rõ ràng nhất với Google rằng site là nguồn có uy tín.

Và với tất cả những cải thiện được thực hiện liên tục đó, site tăng trưởng 35% sau lần update core vừa rồi của Google.

1.7) Case study #3 – Site giảm 40% organic traffic sau core update

Đây là một site về niche khó, cạnh tranh rất cao.

Và điều đặc biệt đó là hầu hết các site trong niche có nội dung tương tự nhau.

Kiểu dạng site về lời bài hát, ringtone…

Mặc dù site đã từng sống sót và tăng trưởng trong những lần update cũ, với lần update core này, site đã chứng kiến mức giảm tới 40% organic traffic.

Và sau đây là các lỗi chính mà site đang mắc phải:

  • Quảng cáo xuất hiện quá tràn lan và gây khó chịu cho người dùng trên cả desktop và mobile. Ví dụ như quảng cáo tự chạy và bật tiếng, nội dung chính (main content) bị đẩy xuống quá sâu bên dưới nhường chỗ cho ads… Và đây là một trong những lỗi rất nguy hiểm dễ khiến site gặp rắc rối với Google.

  • Quá nhiều nội dung thin content kém chất lượng trên site. Cộng thêm việc có rất nhiều các trang nội dung không nên được index cũng vẫn được index dẫn đến việc chất lượng nội dung tổng thể của site bị đánh giá rất thấp.
  • Ngoài ra, website hiện tại cũng đang để 2 phiên bản nội dung của mobile và desktop khác nhau khá nhiều cho cùng 1 bài nội dung. Điều này là tối kỵ vì Google luôn muốn trải nghiệm của người dùng được thống nhất trên cả mobile và desktop.

Điều đáng mừng là chủ site đã bắt đầu với công việc cải thiện nội dung cho site.

Nhưng khả năng cao, sẽ cần ít nhất một hoặc một vài lần core update nữa mới có thể thấy được sự thay đổi nếu có.

1.8) Case study #4 – Site Amazon affiliate lớn hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi lần update thuật toán không xác định trước đó tháng 4/2019

Glenn đánh giá đây là một trong những case thú vị nhất.

Và bản thân mình sau khi đọc xong về nó cũng cảm thấy vậy.

Đơn giản bởi nó gần với mình nhất, vì cùng làm về Amazon affiliate, chỉ là ở một mức độ lớn hơn mà thôi.

Site từng mất 44% organic traffic “overnight” sau một lần update thuật toán không được xác nhận của Google vào ngày 2/4/2019.

Và sau khi tiếp nhận site để phân tích, Glenn đã phát hiện ra các lỗi chính sau:

  • Nội dung affiliate được setup quá “đập vào mặt” và có phần gây khó chịu cho người dùng (theo quan điểm cá nhân của Glenn). Các module affiliate như bảng so sánh, link affiliate xuất hiện quá gần đầu, nhiều khi đẩy hẳn phần main content xuống dưới đặc biệt là cho phiên bản mobile của web. Và điều thú vị đó là site chỉ áp dụng cách setup đó vào tháng 1/2019, một vài tháng trước ngày 2/4/2019 định mệnh đó.

  • Tiếp theo, đó là website có các bài nội dung mỏng thin content và có phần kém chất lượng. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng Google đã nhiều lần khẳng định mỗi bài nội dung được index sẽ đều được tính vào tổng thể để đánh giá chất lượng chung của 1 website. Và chính John Mueller của Google cũng đã từng khẳng định, Google không có ác cảm với site affiliate. Google chỉ ác cảm với các site affiliate có NHIỀU nội dung kém chất lượng mà thôi.

Ví dụ điển hình về 1 bài nội dung thin content trên site với chỉ duy nhất 1 đoạn văn nói về chủ đề

  • Site có trao đổi link với 1 site khác cùng hệ thống của công ty. Cả 2 site đều bị “dính chưởng” cùng ngày 2/4/2019. Do đó, sau khi đánh giá vấn đề, chủ site đã quyết định loại bỏ toàn bộ các link trao đổi / 301 redirect giữa 2 site đó. Và cả 2 site đều có mức tăng trưởng tốt vào lần core update này của Google.
  • Phần comment trên site do không được kiểm duyệt chặt chẽ đã phần nào gây ảnh hưởng tới nội dung của site. Do đó, phần nội dung này cuối cùng đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi bài viết.
  • Nhằm cải thiện điểm E-A-T, site đã không ngừng build link từ các site lớn có uy tín trong suốt thời gian cải thiện website. Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của backlink từ các site lớn.

  • Ngoài ra, việc có các writer là chuyên gia và am hiểu sâu thật sự về lĩnh vực viết bài cũng phần nào giúp nội dung của site được cải thiện trong mắt Google. Và điều quan trọng đó là phải giúp người đọc và Google hiểu được ai đã viết bài nội dung đó, và người đó có kinh nghiệm/hiểu biết/uy tín ra sao về lĩnh vực.
  • Phần còn lại là các lỗi kỹ thuật technical SEO mà chủ site đã rất nhanh chóng sửa chữa.

Và sau khi áp dụng tất cả các chỉnh sửa trên trong thời gian dài, vào lần update core tháng 5 vừa rồi, site đã có mức tăng trưởng 36% về organic traffic.

Thứ hạng nhiều từ khóa chính cũng được cải thiện đáng kể.

1.9) Tổng kết của Glenn về các case study và Google core update:

  • Mỗi core update là tổng hợp của hàng triệu thuật toán con được update cùng lúc (theo như Gary Illyes giải thích), do đó để thật sự cải thiện tình trạng của site bị ảnh hưởng tiêu cực, bạn cần phải cải thiện TẤT CẢ các yếu tố về SEO, UI, UX, technical… của site
  • Nên nhờ người khác trải nghiệm site của bạn một cách khách quan nhất và cho bạn feedback, qua đó có thể phát hiện ra các vấn đề cần điều chỉnh mà bản thân bạn không thể nhìn ra được
  • Hãy đọc bản hướng dẫn Google viết cho các quality rater, những người giúp Google đánh giá nội dung, để hiểu thực sự Google mong muốn gì ở các bài nội dung được xếp top (download bản PDF update tại đây)
  • Luôn hướng đến việc cải thiện chất lượng web về lâu dài. Bởi Google luôn muốn nhìn thấy các cải thiện rõ rệt và lâu dài của site trước khi quyết định cho site được hồi phục hay không.

2) Michał Suski từ SurferSEO:

Link bài viết gốc: https://surferseo.com/blog/may-4th-google-core-update-analysis/

SurferSEO là 1 trong các công cụ tối ưu hóa Onpage hàng đầu hiện nay.

Và trong bài viết của mình, Michal đã tổng hợp số liệu từ hơn 30,000 trang nội dung với tổng cộng hơn 3,000 từ khóa được check.

Các dữ liệu này được lấy vào ngày 22/4 và các ngày 8/5 + 11/5.

Mục đích là để so sánh tìm ra sự thay đổi kết quả trên trang 1 của hơn 3,000 từ khóa kia là gì, qua đó rút ra các kết luận liên quan.

Và dưới đây là các kết quả anh bạn này đã rút ra được:

  • Về tổng quan, các site authority lớn có lượng traffic và backlink lớn được Google “cất nhắc” lên trang 1 nhiều hơn trong lần core update này.

  • Tuy nhiên, khi đi sâu hơn vào số lượng, Michal phát hiện ra rằng không phải tất cả các site nhỏ (niche site) đều bị đá văng khỏi trang 1. Bằng chứng là có đến 45% trong tổng số các trường hợp lọt top 10 cho keyword sau lần update này thuộc về các site nhỏ. Con số này của các authority site hàng khủng là 55%

Tiếp theo đó, bài viết đi sâu vào phân tích mối liên hệ giữa các yếu tố Onpage quan trọng như mật độ từ khóa trong bài viết, thẻ H1 chứa từ khóa chính xác, nội dung bài viết chứa từ khóa liên quan, độ dài bài viết, load time.

Bạn có thể xem phần bảng so sánh trên bài viết gốc.

Còn đây là phần kết luận của Michal sau khi so sánh các bảng biểu đó:

  • Nếu bạn là 1 site nhỏ (niche site) và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lần update này, bạn nên GIẢM BỚT mật độ từ khóa chính xác trong bài viết, và tăng mật độ từ khóa liên quan lên mức tương đồng với các đối thủ trên top hiện tại. Ngoài ra, về lâu dài, bạn nên xây dựng thêm backlink để tăng điểm authority cho site.
  • Nếu xếp các keyword được check vào các thư mục lớn như health, finance, law… thì chúng ta sẽ có bảng thông số biến động trên trang 1 như dưới đây

Về ý nghĩa, các keyword nằm trong các ngách có tham số lớn hơn 0 đồng nghĩa Google ưu tiên xếp các site authority lớn lên trang 1 trong lần update này. Ngược lại, các keyword nằm trong ngách có tham số nhỏ hơn 0 đồng nghĩa Google ưu tiên xếp các niche site nhỏ lên trang 1 trong lần update này.

  • Ngoài ra, các từ khóa affiliate dạng best & review có xác suất đến 30% nằm trong nhóm bị Google thay kết quả trên top bằng các site authority lớn. Do đó, nếu bạn là site affiliate và bị ảnh hưởng tiêu cực, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng thêm backlink chất lượng cho site để tăng điểm Domain Authority.

3) Marie Haynes từ Marie Haynes Consulting:

Link bài viết gốc: https://www.mariehaynes.com/may-2020-core-google-update/

Marie Haynes là một trong những SEO blogger viết nhiều và chuyên sâu nhất về bộ tiêu chí E-A-T (Expertise – Authoritativeness – Trustworthiness) của Google.

Trong bài viết của mình, Marie cũng có đề cập tới một số case study trong số hàng trăm site khách hàng của mình.

medical info site with nice gains

Cá nhân mình nghĩ, để có thể thật sự kết luận một điều gì đó có liên quan hay không tới những lần update lớn như thế này của Google, người phân tích phải có một số lượng site đủ lớn trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Còn nếu chỉ có một vài site mà muốn đưa ra kết luận cuối cùng là rất không đầy đủ và thiếu chính xác!

Và với bài viết của Marie Haynes, mình xin tổng hợp các ý chính như sau:

2.1) Về các yếu tố thay đổi chính quan sát được trong lần core update này của Google

  • Tính liên quan của nội dung (content relevancy): Google dường như đã có sự “tiến bộ” rõ rệt trong việc hiểu đúng hơn dụng ý tìm kiếm (search intent) của người dùng và show cho họ các kết quả mà Google nghĩ là tốt nhất.
  • Tính chuyên môn (Expertise): Rất nhiều các bài viết có từ khóa thăng hạng trong lần update này thể hiện được yếu tố chuyên môn/kinh nghiệm thực tiễn trong nội dung bài viết
  • Tính thẩm quyền (Authority): Trong lần cập nhật này, có nhiều website mặc dù không phải là site lớn có chỉ số cao ngất ngưởng trong ngành của mình cũng vẫn chen chân được vào trang 1, và trong nhiều trường hợp, còn đứng trên cả các site lớn có chỉ số cao
  • Yếu tố tin tưởng (Trustworthiness): Một trong các yếu tố chính của E-A-T dường như đã được Google tính toán lại trong lần update này
  • Chất lượng của backlinks: Nhiều website bị tụt giảm sau đợt update này có sử dụng các kỹ thuật đi link grey hat, không tự nhiên. Google hoặc đã không còn nhấn mạnh quá nhiều vào backlink khi đã dần hiểu rõ hơn về mức độ hữu ích thật sự của từng bài nội dung. Hoặc Google có thể nhận dạng các backlink nào thật sự là link tự nhiên và bỏ qua các dạng link khác.

2.2) Về các bước webmaster NÊN thực hiện để có thể “vực dậy” từ những lần bị ảnh hưởng tiêu cực bởi core update của Google:

  • Đọc kỹ lại Quality Rater Guideline của Google, đặc biệt là các phần Google hướng dẫn đội quality rater của mình đánh giá thế nào là nội dung chính (main content) có chất lượng cao hay thấp. Từ đó áp dụng check ngược lại website của mình, đặc biệt nếu site thuộc nhóm YMYL. (giống đề xuất của Glenn bên trên)
  • Tương tự, hãy đọc kỹ lại cả bài viết của Google chia sẻ về các lần update thuật toán lõi, đặc biệt là các gạch đầu dòng về việc phân biệt đâu là nội dung tốt cho người dùng: https://webmasters.googleblog.com/2019/08/core-updates.html
  • Phân tích xem các trang nội dung nào trên site từng rank cao, nhưng giờ bị mất rank. Tiếp theo đó, phân tích các đối thủ còn trụ lại trên trang 1 vào lúc này cho keyword, xem nội dung của họ có tốt hơn mình hay không. Nếu nội dung không thật sự tốt hơn, hãy xem thử loại website mà Google đang xếp trên top là gì.
  • Hãy thử mời người dùng thật đọc và đánh giá bài viết của bạn một cách khách quan nhất.
  • Làm mọi cách để cho Google và người đọc thấy trong bài nội dung rằng bạn là người có kinh nghiệm thực tiễn về những gì bạn đang nói tới. Nếu không, hãy cân nhắc thuê các writer là chuyên gia về lĩnh vực đó để viết bài.
  • Nếu bạn từng xây dựng link số lượng lớn tới site trước đây, hãy xem xét lại các link đó và dùng file disavow link khi cần thiết. Tốt nhất, hãy cố gắng dùng content chất để có được các link tự nhiên về lâu dài.

4) Lily Ray từ Path Interactive:

Link bài viết gốc: https://www.pathinteractive.com/blog/seo/550-winners-and-losers-of-googles-may-2020-core-algorithm-update/

Lily Ray

Trong bài tổng hợp của mình, Lily có liệt kê một danh sách khoảng 550 website bị ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực) từ lần core update tháng 5 này của Google.

Tất cả 550 website này đều bị ảnh hưởng (tích cực lẫn tiêu cực) từ những lần update core TRƯỚC ĐÓ của Google.

Dữ liệu được thống kê từ ngày 4/5 đến ngày 11/5/2020, khoảng 1 tuần sau ngày Google thông báo chính thức về việc update thuật toán lõi.

Và trong số các lĩnh vực chịu nhiều biến động nhất, các site YMYL vẫn bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Tiếp theo là một số lĩnh vực như:

  • Dinh dưỡng và công thức nấu ăn (nutrition & recipes)
  • Thể hình (fitness)
  • Tin tức (news)
  • Thuốc, rượu, cai nghiện (drugs, alcohol, and rehab)
  • Tin tức khoa học và y khoa (science & medical news)
  • Tài chính và ngân hàng (banking & financing)
  • Âm nhạc và giải trí (music & entertainment)
  • Các phương thuốc tự nhiên (natural medicine)
  • Lịch sử (history)

Kế đến, Lily có liệt kê một loạt các website, trong đó có cả các tên tuổi lớn trên thế giới thuộc tất cả các ngành nghề, bị ảnh hưởng bởi lần core update này.

Bạn có thể xem list danh sách đầy đủ tại bài gốc: https://www.pathinteractive.com/blog/seo/550-winners-and-losers-of-googles-may-2020-core-algorithm-update/

Nhưng để mình liệt kê thử giúp bạn một số cái tên “đình đám” trong danh sách, để bạn hiểu bạn và mình không phải là người duy nhất cảm nhận được sức nóng.

Top 10 website tăng trưởng tốt nhất (tính tổng thể):

pinterest.com
lexico.com
thefreedictionary.com
washingtonpost.com
tripadvisor.com
hotels.com
webmd.com
cbsnews.com
people.com
money.cnn.com

Top 10 website bị ảnh hưởng nặng nề nhất (tính tổng thể):

spotify.com
azlyrics.com
discogs.com
nypost.com
imdb.com
thebalance.com
trulia.com
theguardian.com
huffpost.com
songfacts.com

Hãy giành một vài giây nhìn lại top 20 website mình vừa liệt kê.

Qua đó thôi, bạn cũng có thể hiểu rằng KHÔNG CÓ bất kỳ website nào, dù lớn đến đâu, có thể “miễn nhiễm” với các thuật toán update dạng này của Google.

Tấm gương của những The Guardian, The Huffington Post, IMDB, Spotify… chính là minh chứng hùng hồn nhất.

Và có lẽ thật sự đã đến lúc chúng ta nên học thêm cách để kéo thêm traffic từ Pinterest về site của mình thay vì ngồi đó và nguyền rủa Google tại sao trên trang 1 toàn Pin với tweet :))

Kết luận ban đầu

Về nhận định, Lily có đưa ra nhận định rằng lần update core này của Google dường như là lần “đảo ngược” kết quả cho các website đã tăng trưởng trong các lần update core trước đó.

Ví dụ như website Whfoods.com này trong ảnh trên đã có sự quay trở lại sau lần tụt traffic thê thảm do ảnh hưởng với lần core update tháng 1/2020.

Hay như website addictionsandrecovery.com này cũng vậy với trend tương tự.

Cá nhân mình với các website mình quản lý, mình cảm nhận đây là một nhận định đúng.

Gần như tất cả các site tăng trưởng bắt đầu tầm 1-2 tháng trước đó, đều bị reset lại hết trong lần update này.

Nó gần như là việc Google cho bạn back lại thời điểm 1-2 tháng trước để làm lại từ đầu vậy :))

Cũng bực đấy, nhưng chấp nhận mà tiếp tục tiến lên thôi.

5) Charles Floate từ CharlesFloate.com:

Link video gốc: https://www.youtube.com/watch?v=9eVNks3f0QY

charles floate

Charles cho biết đang track thứ hạng của khoảng hơn 40,000 từ khóa cho tất cả các dự án của mình, bao gồm cả các site nước ngoài, không chỉ mỗi tiếng Anh.

Và dưới đây là các kết luận rút ra ban đầu:

  • Site authority lớn với chỉ số cao được ưu ái hơn ở lần update này
  • Các bài nội dung tối ưu thuần SEO với mật độ từ khóa cao bị tụt hạng
  • Link nofollow dường như đã được Google tính tới trong lần update này? (các site authority với lượng link nofollow lớn tăng hạng trong lần update này)
  • Việc không build link tới site giờ đây thật sự là một ý tưởng tệ (đặc biệt với các bạn xác định làm thuần content và nói không với backlink)
  • Các bài nội dung thin content trên các site authority lớn “bay màu” ban đầu, nhưng từ 5/5 trở đi lại “hồi sinh” mạnh mẽ hơn
  • Các website dùng cách đi link dạng niche edit dường như có bị ảnh hưởng
  • Các website ngôn ngữ khác nhưng lại có link tiếng Anh trỏ về hàng loạt một cách bất cân xứng cũng bị ảnh hưởng nhẹ
  • Cách xây dựng link theo tầng (tiered link building) có vẻ lại đang có kết quả tốt

6) Mordy Oberstein từ Rank Ranger:

Link bài viết gốc: https://www.rankranger.com/blog/may-2020-core-update

Đây là một trong những bài phân tích kỹ đầu tiên mình đọc về Google core update tháng 5, và có rất nhiều điều thú vị rút ra được từ quan sát của Mordy.

May 2020 vs Jan 2020 Core Update Data

Mình xin tổng hợp lại các ý chính như sau:

  • Lần core update tháng 5/2020 này của Google là lần cập nhất LỚN NHẤT và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới kết quả tìm kiếm trên toàn thế giới. Nó còn “nóng” hơn cả lần core update vào tháng 1/2020 hay Medic update hồi tháng 8/2018.
  • Với các từ khóa về tài chính, các bài viết show các nội dung để kiếm tiền (ví dụ bảng so sánh, link affiliate) lên trước phần nội dung hữu ích cho người dùng dường như bị Google thay thế bằng các bài viết làm điều ngược lại. Tức là các bài viết show nội dung hữu ích trước, rồi mới đến nội dung để kiếm thu nhập được Google ưu tiên hơn lần này. Tất nhiên, quy luật này sẽ không áp dụng cho các từ khóa thuần mua bán do dụng ý tìm kiếm của người dùng khi này sẽ khác hoàn toàn.

Forbes Credit Card Page

Ví dụ, đây là bài viết về “best credit card” trên Forbes.com, là cách format bài viết theo Mordy được Google ưu tiên hơn vì nó cho người dùng câu trả lời hay content ngay lập tức

Business.org Above the Fold Content

Còn đây là bài viết trên Business.org, với format bảng so sánh xếp đầu tiên, sẽ ít được Google ưu ái hơn trong lần update này

  • Một lưu ý nữa liên quan tới việc hiển thị main content (MC) hay nội dung chính ngay đầu (above the fold) bài nội dung, đó chính là các bài viết khác nhau trên cùng 1 website sẽ bị ảnh hưởng theo các mức độ khác nhau tùy vào format của từng bài viết. Điều đó có nghĩa là bài viết nào có MC đặt trên đầu sẽ ít hoặc không bị ảnh hưởng, còn bài viết nào đặt bảng so sánh hoặc “money content” đầu tiên sẽ bị tụt hạng từ khóa.
  • Các trang nội dung có hiển thị cảnh báo về dịch bệnh Covid-19 dường như được Google ưu tiên hơn một chút so với các trang nội dung không có thông báo gì đặc biệt

Tạm kết

Hi vọng với phần tổng hợp của 6 bài viết ở trên, mình đã giúp được bạn phần nào đó trong việc định hình được những công việc cần làm sắp tới để giúp website “lật ngược thế cờ”.

Bản thân mình cũng sẽ vẫn tiếp tục “bơm” thêm content và backlink cho các site của mình.

Ngoài ra, mình cũng sẽ tìm cách để cải thiện dần các nội dung affiliate trên site giúp chúng có ích hơn nữa với người dùng.

Vì hãy nhớ, website bị tụt sau mỗi lần core update không hẳn vì site của kém chất lượng hay có vấn đề hoặc bị phạt.

Chỉ đơn giản rằng Google thấy các website khác chất lượng hơn của bạn nên site bạn phải nhường chỗ cho các site đó mà thôi.

Chúc bạn sớm tìm lại được những gì đã mất với site của mình.

8 thoughts on “Google Core Update T5/2020: Điều Gì Đã Xảy Ra Và Làm Sao Để “Lật Ngược Thế Cờ”? (Tổng Hợp)”

  1. Bài viết rất hay.
    Bài viết của bạn đề cập tới từ Authority, dịch Anh Việt thì nó có nghĩa là thẩm quyền. Nhưng dịch như vậy theo cá nhân mình là ko sát nghĩa.
    Authority site là gì? Site có thẩm quyền?
    Authoriry domain ( DA – moz) là thẩm quyền domain?
    Dùng ngữ cảnh là thẩm quyền dẫn đến nhiều ae nghĩ rằng à cứ trên site có ghi tác giả, có profile tác giả là có thẩm quyền… Là giải quyết khâu A trong E – A – T
    Với mình dịch thì nó là authority = uy tín. Còn uy tín sao thì mình vẫn làm theo MOz: có các backlink từ site uy tín đổ về, có chất lượng content chuyên sâu ( ví dụ như kiểu như site Thachpham…)

    Reply
  2. Bài viết chất lượng và tâm huyết quá, cảm ơn tác giả tổng hợp được bài tổng quan nhất, SEO chưa bao giờ dễ dàng, luôn biến đổi và tối ưu theo từng quá trình phát triển site cho phù hợp với SE =))

    Reply

Leave a Comment